Dòng sự kiện:
Kỷ vật của chiến sĩ điệp báo an ninh Nguyễn Văn Kha
02/03/2015 07:08:50
ANTT.VN – Gần 20 năm hi sinh cho nhiệm vụ cách mạng, cuộc đời của chiến sĩ điệp báo an ninh Nguyễn Văn Kha là cả một câu chuyện li kỳ hàm chứa bao nỗi éo le.

Tin liên quan

Quê ở thị trấn Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, Đỗ Văn Kha ngay từ khi còn là học trò đã trở thành chiến sĩ điệp báo Công an Hà Nội.

ky-vat-cua-dong-chi-nguyen-van-kha

Những kỉ vật của đồng chí Nguyễn Văn Kha đang được lưu giữ tại Bảo tàng Công an nhân dân

Khoảng năm 1950, chàng thanh niên thông minh Đỗ Văn Kha được Tổ trưởng Tổ trinh sát nội thành Hà Nội là Lê Toàn kết nạp và đào tạo trở thành một trinh sát Công an. Mang một cái tên mới là Nguyễn Văn Sơn, người học trò trường Bưởi đi làm gia sư cho các nhà giàu vừa lấy tiền sinh sống vừa tạo vỏ bọc để tìm hiểu hình hình địch và gây dựng cơ sở kháng chiến.

Sau hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ lăm le xâm lược miền Nam, bọn Đại Việt Quốc dân đảng và một số đảng phái phản động cũng lợi dụng ngóc đầu dậy hòng lật đổ thành quả cách mạng của nhân dân và chúng đã gây ra tội ác với đồng bào. Được sự giới thiệu của tổ trưởng Lê Toàn, người chiến sĩ cộng sản giỏi cả tiếng Pháp, tiếng Anh Nguyễn Văn Sơn được cấp trên quyết định “đánh” vào tổ chức của Đại Việt Quốc dân đảng ở miền Nam. Ông vượt tuyến vào Nam tháng 4/1956 dưới vỏ bọc là người của đảng Đại Việt ở miền Bắc xin tiếp tế. Đối với bọn Đại Việt ở miền Nam Bắc, chuyến này đi của ông đã mang về cho chúng nhiều chỉ thị hoạt động, nhiều đạn dược, thuốc men. Còn với ta, ông đã nắm được hầu hết các cơ sở, kho tàng, các kế hoạch, điện đài của địch để báo về trung tâm. Trên cơ sở đó, cơ quan Công an kịp thời có biện pháp đấu tranh. Vì thế, suốt thời gian dài chúng không gây ra được một tội ác nào ở Hà Nội và cũng là điều kiện để đến năm 1959 khi phá án, Công an đã bắt gọn hầu hết các tên cốt cán Đại Việt Quốc dân đảng.

Tin cậy ông, bọn Đại Việt lại cử ông vào Sài Gòn xin tiếp tế. Nhận chỉ thị “chui sâu” vào trung tâm địch, tháng 7/1957, ông lại khăn gói vượt tuyến vào Nam thêm lần nữa và được chúng cử sang đảo Guam huấn luyện. Chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng ngày càng gian khổ, hiểm nguy, ông không ngờ chuyến đi này lại kéo dài hơn 18 năm. Có thể là dự cảm nhưng làm sao ông biết được gần 20 năm ấy, vợ con ông ở quê nhà miền Bắc phải cúi mặt ra đường, không dám nhìn ai vì có người chồng, người cha “phản bội”. Trong khi đó, vừa qua sông Bến Hải, ông bị chúng “bắt nhầm” rồi đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa. Lúc ấy, ông chỉ có một trái tim rớm máu của một người tận mắt chứng kiến cảnh bà con mình bị giết hại đã giúp ông có đủ dũng khí để vượt qua đòn tra tấn man rợ của kẻ thù. Lại những ngày biệt giam ở Đà Lạt với đòn roi tím bầm da thịt.

Cuối năm 1960, chính quyền Sài Gòn đày ông ra Côn Đảo với danh nghĩa “người nhà” của Giám đốc Nha cảnh sát Sài Gòn Trần Kim Tuyến. Với lời “gửi gắm” ấy, tên tỉnh trưởng Côn Đảo vô cùng nể sợ, liền sắp xếp để ông làm chủ nhiệm câu lạc bộ hậu cần, rồi chủ nhiệm hợp tác xã tiêu thụ Côn Sơn. Từ khi bị bắt ở Bến Hải, ông đã hoàn toàn mất liên lạc với Công an miền Bắc. Với niềm tin kiên định, Nguyễn Văn Sơn trung thành với lý tưởng của Đảng, một mình hoạt động dưới sự mách bảo trái tim người cộng sản. Lợi dụng vị trí công việc, ông vận động giảm bớt hình phạt, tăng khẩu phần ăn, thuốc men chữa bệnh cho tù chính trị, vận động binh lính đối xử nhân đạo với anh em tù chính trị. Ông còn nhớ, một đêm đầu tháng 2 năm 1973, lén mở sóng đài phát thanh Moskva, ông đã bật khóc khi nghe được bản tin đế quốc Mỹ đã phải kí Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sự nhạy cảm chính trị đã mách bảo ông tìm mọi cách cảm hóa cha cố đạo, tranh thủ sự yêu mến của binh lính giám thị và nhân dân trên đảo gây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị để khi có thời cơ sẽ thành lập chính quyền hòa hợp dân tộc theo tinh thần Hiệp định Paris. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, quan quân chính quyền Sài Gòn vội vã rút chạy khỏi miền Nam, ông đã huy động các cựu sở cũ, phối hợp cùng cha xứ thành lập mặt trận, tự tay ông mở cửa nhà lao cho anh em tù chính trị, cùng với họ thành lập Ban quản lý đảo. Ngày quân giải phóng ra tiếp quản Côn Đảo, ông được bầu làm trưởng ban Tuyên huấn, Trưởng ty Giáo dục Côn Đảo, ông kiêm luôn thầy dạy bổ túc văn hóa cho bộ đội và nhân dân trên đảo.

Đã có người băn khoăn tự hỏi, sao một người hiền lành, dung dị thế lại có thể bước chân vào nghề tình báo theo cái cách lãng mạn, cổ kính kiểu tráng sĩ phương Đông coi cái chết nhẹ tựa lông hồng? Phải chăng tinh thần yêu nước của cha ông, một nhà nho tiến bộ cộng với truyền thống cách mạng của quê hương đã thẩm thấu vào tâm hồn cậu học trò hiếu học ấy một cách tự nhiên để cậu không ngần ngại xếp bút nghiên đi theo kháng chiến. Và dường như những cán bộ an ninh khi tuyển chọn để “đánh” ông vào lòng địch nhận thấy ở ông những phẩm chất quý báu của một người dân yêu nước đến tận cùng, phẩm chất đầu tiên và cao quý của người cộng sản kiên trung.

Ra đi vì nhiệm vụ, trở về sau bao nhiêu hi sinh, mất mát. Vì thời gian dài không sinh hoạt Đảng, hồ sơ không có nên ông không còn có trong danh sách Đảng viên, lại đã hơn 50 tuổi, quá tuổi để kết nạp lại, thế là ông trở thành một người ngoài Đảng, về nghỉ hưu với mức lương Đại úy. Quê ông, xứ Đông, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, không thể thừa nhận vợ con của “một kẻ mà có lẽ đã đi theo địch”. Thế là gần 20 năm, cha mẹ già, vợ con ông phải sống trong sự dè chừng, khinh rẻ của xóm giềng. Vợ ông, một người phụ nữ tảo tần vẫn chưa quên được cảnh khốn khổ chạy vạy lên cơ quan chồng xin giấy chứng thực “chưa biết ông ấy đã đi theo địch hay chưa” để ba đứa con bà được đi học. Và cũng phải mất 4-5 năm sau ngày ông trở về, niềm nghi hoặc ấy mới đươc giải tỏa khi cơ quan chức năng về chứng minh cho ông. Thế nhưng, tất cả những thiệt thòi thời đó với ông dường như không quan trọng lắm. Dù thế nào, ông vẫn giữ tấm lòng son. Vì ông dấn thân vào nơi nguy hiểm trước lúc nước sôi lửa bỏng không phải để được vinh danh mà vì một mục tiêu và lí tưởng cao nhất là góp phần giành lại độc lập, tự do cho nhân dân và thống nhất đất nước.

Ngày 26/10/1999, đồng chí Nguyễn Văn Kha đã tặng lại cho Bảo tàng Công an nhân dân những hiện vật gắn bó với cuộc đời hoạt động điệp báo của mình. Trong đó có chiếc khăn mùi xoa dùng làm ám hiệu liên lạc lần thứ nhất vượt giới tuyến vào miền Nam năm 1956. Khi vượt qua sông Bến Hải, đồng chí đã cầm chiếc khăn này vẫy vẫy đáp lại là đúng ám hiệu để được đưa vào Sài Gòn. Khăn bằng vải Pôpơlin trắng, đã bạc màu, hình vuông. Ngoài ra còn có khóa thắt lưng dùng làm ám hiệu liên lạc trong lần vượt tuyến thứ hai vào miền Nam năm 1957. Khóa thắt lưng làm bằng kim loại mạ niken màu trắng đã han gỉ, trên mặt khóa có khắc chìm ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có con số 57 là ám hiệu liên lạc với người của tổ chức Đại Việt Quốc dân đảng ở bờ biển Nam sông Bến Hải.

Và chiếc cặp da dùng đựng tư trang, tài liệu trong hai lần vượt giới tuyến vào miền Nam hoạt động điệp báo. Cặp màu nâu, có nhiều ngăn, đã cũ và sờn rách nhiều, có quai xách và một ổ khóa ở giữa nắp.

(Theo Những kỉ vật lịch sử Công an nhân dân)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến