Dòng sự kiện:
Kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán
11/06/2023 17:14:45
Giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, việc hạ lãi suất tác động tích cực đến kênh chứng khoán và thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan khi khó khăn của vĩ mô có thể sẽ dần qua.


Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Tích cực đến từ xu hướng giảm lãi suất

Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS), việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản 3 lần kể từ đầu năm có thể tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán, nhờ kỳ vọng dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán khi lãi suất huy động giảm.

Lãi suất thấp cũng có thể cải thiện lợi nhuận của các công ty sử dụng nhiều nợ và thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhờ tăng cường vay vốn để nắm bắt cơ hội, trong bối cảnh nhu cầu yếu từ cả thị trường bên trong và bên ngoài.

Dù vậy, ACBS cũng cho rằng, lo ngại của nhà đầu tư hiện nay không chỉ đến từ bên ngoài với nỗi lo suy thoái do giá cả tăng cao kéo dài, bất ổn địa chính trị thế giới và sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài, mà còn từ bên trong với tình trạng thiếu điện làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng thời rủi ro ngắn hạn trên thị trường trái phiếu vẫn còn do lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý II và quý III/2023.

Tuy nhiên, áp lực này đang giảm dần khi nhiều ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chuyên gia từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB kỳ vọng một số quy định quan trọng sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra sẽ tác động tích cực đến đầu tư công và các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, y tế, cung ứng vật liệu.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng do tình hình địa chính trị thế giới đang có nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát...

Điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm, đồng thời các tổ chức kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... đang điều chỉnh dự báo tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù vẫn ở mức thấp.

Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm, nên việc chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được. Thị trường đang cho thấy tâm lý lạc quan khi khó khăn của vĩ mô có thể sẽ dần qua.

Chuyên gia từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, giai đoạn này Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên trì với định hướng kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình hình tài chính suy giảm, khó đáp ứng được điều kiện tín dụng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDRECT), nối tiếp đà tăng ấn tượng của tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực trong tuần qua với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm.

Cụ thể, tâm lý hứng khởi đã giúp chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh trong hai phiên đầu tuần để vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.100 điểm. Thị trường tiếp tục tăng nhẹ trong phiên ngày thứ 4 trước khi rung lắc mạnh trong phiên ngày thứ 5 khi chỉ số VN-Index giảm 0,7% và lùi sát về mốc 1.100 điểm do áp lực chốt lời gia tăng.

Tuy vậy, lực cầu chờ mua giá thấp đã được kích hoạt trong phiên ngày thứ 6 và giúp chỉ số VN-Index đảo chiều tăng trong phiên ngày cuối tuần.

Chốt tuần giao dịch (từ 5 - 9/6), chỉ số VN-Index tăng 1,5% lên 1.107,5 điểm; HNX-Index tăng 0,7% lên 227,6 điểm và UPCOM-Index tăng 0,3% lên mức 84,2 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.265 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tuần trước đó.

Điểm cải thiện nữa so với tuần trước là khối ngoại đã giảm giá trị bán ròng trên sàn HOSE xuống còn 483 tỷ đồng, giảm tới 59,2% so với tuần trước đó và tăng giá trị mua ròng trên sàn HNX-Index lên mức 91 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại gia tăng bán ròng trên sàn UPCOM-Index với giá trị đạt 178 tỷ đồng.

Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ nhóm ngành bất động sản, với các mã vốn hóa lớn như VHM tăng 3,9%, NVL tăng 5,4% và PDR tăng 13%.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục diễn biến tích cực, được dẫn dắt bởi đà tăng của SSI với mức 4,8% và VND tăng 3,6%.

Cổ phiếu ngành ngân hàng chứng kiến diễn biến trái chiều khi MBB tăng 2,8% và VCB tăng 5,9%, trong khi HDB giảm 2,9%, BID giảm 2,8%, VPB giảm 1,8%, CTG giảm 1%.

Chứng khoán thế giới khởi sắc

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm và giao dịch sôi động trong bối cảnh các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới khởi sắc.

Theo đó, chứng khoán Phố Wall đã có một tuần khởi sắc giữa những hy vọng kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất.

Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,33%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,38%, kéo dài chuỗi tăng điểm lên bốn tuần, thời gian dài nhất kể từ giai đoạn tháng 7-8/2022. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng thứ bảy liên tiếp, với mức tăng 0,13%.

Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com nhận định, đà tăng của thị trường chứng khoán trong tuần này một phần là nhờ kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa vào tuần tới. Hiện thị trường đang chờ đợi quyết sách của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại cuộc họp tuần tới.

Bên cạnh đó, báo cáo giá tiêu dùng công bố ngày 13/6 tới vẫn đóng vai trò quan trọng đối với quyết định chính sách của Fed.

Rick Meckler, đối tác tại công ty đầu tư Cherry Lane Investments cho biết, tâm lý chung của thị trường đều dựa trên dự báo Fed sẽ tạm dừng các đợt tăng lãi suất, nhờ đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi trên diện rộng và có thể bắt kịp cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ có mức vốn hóa lớn đã dẫn đầu đà tăng từ đầu năm đến nay. Giới đầu tư cũng đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 13/6.

Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương chiều 9/6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 2/2023 nhờ sự khởi sắc của thị trường Phố Wall phiên trước khi niềm tin rằng Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 6/2023 đang tăng lên.

Trong phiên chiều 9/6, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu các thị trường khu vực, tăng 1,97% lên 32.265,17 điểm. Chỉ số này đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi lao dốc từ mức cao nhất trong 33 năm vào phiên trước đó.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng nhẹ 0,64% lên 19.423,16 điểm, các chỉ số Shanghai Composite trên thị trường Thượng Hải cũng tăng 0,47%, lên 3.228,67 điểm.

Hầu hết các thị trường khác của châu Á-Thái Bình Dương đều chứng kiến mức tăng, trừ thị trường Thái Lan, Philippines và Malaysia.

Tác giả: Văn Giáp

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến