Dòng sự kiện:
Kỳ vọng gọi vốn của doanh nghiệp niêm yết mới
15/08/2019 08:00:26
Đưa cổ phiếu lên sàn hay chuyển sang sàn có tiêu chuẩn cao hơn được xem là giải pháp nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tăng niềm tin nơi nhà đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn hơn.

Ngày 22/7/2019, 103,7 triệu cổ phiếu KOS của Công ty cổ phần Kosy, một thành viên thuộc Tập đoàn Kosy, đã niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau gần 1 năm “tập dượt” trên thị trường UPCoM.

Kosy hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và năng lượng tái tạo, đòi hỏi nguồn vốn hoạt động lớn, nên niêm yết trên HOSE được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để Công ty tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, nâng cao uy tín, thương hiệu, minh bạch thông tin, chuẩn hóa hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là tiếp cận được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước hơn.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kosy, niêm yết là chủ trương của Công ty từ lâu và nằm trong chiến lược phát triển dài hạn nhằm cân đối các nguồn lực phục vụ phát triển các dự án.

Trong đó, với việc liên tục tăng trưởng về số lượng và quy mô các dự án, nguồn tín dụng là không đủ, đồng thời tạo ra rủi ro khi đòn bẩy tài chính quá lớn, nên huy động vốn qua thị trường chứng khoán là phù hợp, nhất là trong bối cảnh tín dụng ngân hàng đang được siết chặt với lĩnh vực hoạt động của Công ty.

Trước đó ít ngày, 13,8 triệu cổ phiếu của  đã niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán GAB. Bà Trần Thị Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị GAB cho biết, Công ty niêm yết trên HOSE có mục đích chính là huy động qua sàn chứng khoán, phục vụ cho việc phát triển các dự án. Ngoài ra, niêm yết sẽ giúp cổ phiếu GAB tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn, phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, gia tăng tính thanh khoản cổ phiếu, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông.

Trong tuần cuối tháng 7/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang HOSE. Quyết định chuyển sàn sau 11 năm niêm yết trên HNX được ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco chia sẻ, ngoài mong muốn “thổi làn gió mới” cho cổ phiếu, thương hiệu cũng như tính thanh khoản cao hơn, Công ty muốn gia tăng cơ hội hợp tác với các quỹ đầu tư nước ngoài.

Với chiến lược phát triển dài hạn theo mô hình chuỗi giá trị khép kín 3F: Feed - Farm - Food (từ nông trại tới bàn ăn), Dabaco cần nhiều hơn “yếu tố ngoại” phục vụ cho các dự án dở dang nhằm hoàn chỉnh chuỗi khép kín 3F. Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Dabaco, nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm 26,84%.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, HOSE đã đón thêm 8 doanh nghiệp niêm yết mới, trong đó có 3 doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết từ năm ngoái và 5 doanh nghiệp được chấp thuận niêm yết trong năm nay.

Số doanh nghiệp niêm yết mới suy giảm cùng nhịp với sự suy giảm chung của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điều này không phản ánh thị trường không còn sức hút, mà nhiều doanh nghiệp chờ đợi thời điểm thuận lợi hơn để chào sàn.

Ghi nhận tại kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua, có khá nhiều doanh nghiệp xin ý kiến cổ đông về việc chuyển sàn và chưa có đại hội nào phủ quyết nội dung này.

Ở một số doanh nghiệp, kế hoạch chuyển sàn mới được thông qua tại đại hội, nhưng giá cổ phiếu trên sàn có diễn biến tăng, cho thấy cổ đông/nhà đầu tư đánh giá cao bước chuyển của doanh nghiệp khi hội đủ các yếu tố cần thiết để tham gia sàn có điều kiện cao hơn.

Trong khối tài chính, một số ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đang khởi động kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE như Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Kiên Long (KLB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB). Ngoài ra, Ðại hội đồng cổ đông năm 2018 của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam đề cập đến kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm 2019.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, diễn biến của thị trường là điều kiện cần để các doanh nghiệp tính toán lên sàn sao cho phù hợp với mục tiêu huy động vốn, tuy nhiên, điều kiện đủ và quan trọng hơn cả là chất lượng doanh nghiệp có đủ để chào bán với các nhà đầu tư hay không.

Trong đó, các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường vốn, huy động được vốn trên thị trường chứng khoán thì phải minh bạch. Và để minh bạch, doanh nghiệp cần có hệ thống quản trị, bao gồm cả quản trị phát triển, vận hành, rủi ro minh bạch, được tuân thủ tự nguyện và nghiêm túc.

Theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán đang bị tác động bởi các yếu tố ngoại biên, nhưng có triển vọng phát triển, mang lại cơ hội huy động vốn trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.

Với lĩnh vực bất động sản, ông Tony Ngo, Giám đốc Quỹ Bridger Capital Việt Nam nhận xét, khi đầu tư vào cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư không chỉ nhìn vào doanh thu, lợi nhuận hàng năm, mà còn nhìn vào tính hiệu quả của từng dự án và giá trị quỹ đất đang sở hữu. Ðơn vị nào nắm được cái thị trường khao khát thì sẽ giành lợi thế khi định hình được dòng chảy của nguồn vốn ngoại trị giá tới hàng tỷ USD đang sẵn sàng đổ vào.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến