Năm 2024, nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận cao. (Ảnh: Vietnam+)
Mặc dù chưa đến thời hạn phải công bố báo cáo tài chính năm 2024, song nhiều ngân hàng đã có kết quả kinh doanh cả năm với lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong năm qua, nhất là khi tín dụng tăng mạnh trong quý cuối năm 2024.
Lộ diện những ngân hàng lãi "tỷ đô"
Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 15,08%. Do đó, nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đã được cổ đông giao. Một số ngân hàng ước tính tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Vietcombank cho biết lợi nhuận ngân hàng trước thuế tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2024 (ước vượt mức kế hoạch 42.000 tỷ đồng), tăng 4,8% so với năm 2023 và giữ vị trí quán quân trong toàn ngành.
Bên cạnh con số lợi nhuận được cho là cao nhất toàn ngành, Vietcombank cho biết các chỉ số tích cực về hiệu quả kinh doanh: NIM ở mức 3,04%; ROA đạt 1,7%; ROE đạt 18,5%. Để đạt được mức hiệu quả này, ngân hàng cho biết đã tích cực cắt giảm chi phí, tiết kiệm 1.000 chi phí hoạt động trong năm 2024.
Trong khi đó, BIDV có thể trở thành ngân hàng có lợi nhuận "khủng" thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau Vietcombank. Năm 2024 cũng là năm đạt lợi nhuận kỷ lục của nhà băng này khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm trước.
VietinBank cũng cho biết doanh thu năm 2024 tăng trưởng tích cực, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước đó, hồi đầu tháng 10/2024, VietinBank đã thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023.
Với Agribank, thông tin từ ngân hàng cho thấy, năm 2024, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung của nền kinh tế, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trên 8%.
Với mức tăng trưởng nêu trên, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Agribank năm 2024 là 27.567 tỷ đồng, còn hợp nhất là hơn 27.928 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung nhóm Big 4 có tổng lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 126.300 tỷ đồng (xấp xỉ 5 tỷ USD).
Ngoài Big 4, một số ngân hàng tư nhân khác cũng công bố kết quả kinh doanh trong năm qua với lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Chia sẻ tại Hội nghị Nhà đầu tư diễn ra mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ngân hàng năm 2024 tăng khoảng 12% so với năm 2023 và đạt 27.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng khoảng 9-10%, đạt gần 29.000 tỷ đồng.
Cùng với MB, Techcombank được dự báo sẽ là ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận vượt mốc 1 tỷ USD khi đề ra mục tiêu lãi trước thuế 27.100 tỷ đồng trong năm 2024. Trước đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Techcombank đạt 22.800 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ 2023 và thực hiện được 84% kế hoạch đề ra.
Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cũng đã tạo nên cú bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên ghi danh vào câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, kết thúc năm 2024, LPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Vietcombank luôn giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong toàn ngành. (Ảnh: Vietnam+)
Tại hội nghị nhà đầu tư vừa qua, lãnh đạo HDBank tiết lộ ngân hàng dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận năm, tạo đà tăng trưởng cao cho giai đoạn nối tiếp. Chia sẻ về triển vọng kết quả kinh doanh cả năm 2024, Giám đốc tài chính Phạm Văn Đẩu cho biết, HDBank tin tưởng sẽ vượt các chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng mà cổ đông giao và dự kiến đạt tới trên 16.000 tỷ đồng.
MB cũng thông tin đến hết năm 2024, lợi nhuận đạt 27.600 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước (lợi nhuận hợp nhất đạt 28.800 tỷ đồng, tăng gần 10%).
Tín dụng sẽ tăng 15%-16%
Năm 2025, ngành Ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng ở mức 16%, như vậy dư nợ tín dụng của nền kinh tế dự kiến sẽ ở mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng.
MBS Research đánh giá, năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15%, thì năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15%-16%, một phần sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
Nhiều chuyên gia nhận định, tín dụng, NIM (biên lãi ròng) và chất lượng tài sản là 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngân hàng năm 2025.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo, NIM sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường hai. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.
Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.
Tính đến hết năm 2024, tín dụng toàn ngành Ngân hàng đã tăng 15,08%. (Ảnh: Vietnam+)
Theo VCBS, các ngân hàng tư nhân có thể mạnh về bán lẻ và CASA sẽ có khả năng mở rộng NIM nhiều nhất. Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14%-15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh.
Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ khiêm tốn 8%.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước thực hiện tháng 1/2025, có tới 85,1% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng dương so với năm 2024, trong đó 9,6% lo ngại lợi nhuận giảm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không đổi.
Với tín dụng năm nay được nhận định tích cực hơn khi sức hấp thu vốn của nền kinh tế cải thiện, các ngân hàng cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn. Năm 2025, BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng 6% đến 10%.
Vietcombank cũng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 16,28%, huy động vốn trên thị trường 1 điều tiết phù hợp với tăng tín dụng, nợ xấu duy trì dưới ngưỡng 1,5%.
Định hướng năm 2025, đại diện ngân hàng cho biết ngân hàng sẽ gia tăng quy mô thị phần, chuyển dịch bán lẻ, phát triển bền vững hiệu quả và tăng cường chuyển đổi số, doanh thu kênh số đóng góp xấp xỉ 40% doanh thu./.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy