Dòng sự kiện:
Kỳ vọng năm 2022: Đánh thức ngành du lịch sau 2 năm 'ngủ đông' vì dịch Covid-19
03/02/2022 07:23:29
Để khôi phục, phát triển ngành du lịch, nguồn nhân lực, thị trường và sự liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương... là động lực cho khát vọng phục hồi, tăng trưởng.

Người trẻ vẫn giữ lửa nghề

Gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quy định giãn cách và sự e ngại của du khách về dịch bệnh đã khiến nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch ể ẩm, doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh.

Theo các chuyên gia du lịch, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành chính là chất xám của người lao động. Hiện nay, trên cả nước có hơn 27.000 hướng dẫn viên (HDV) quốc tế và nội địa. Trong đó, các Sở Du lịch quản lý đội ngũ hướng dẫn viên lớn nhất nước là Tp.Hà Nội (5.846 HDV), Đà Nẵng (4.728 HDV), Tp.HCM (6.105 HDV).

Ngành du lịch sau 2 năm “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 đã bắt đầu các kế hoạch phục hồi phát triển.

Trước tác động của dịch Covid-19, nguồn nhân lực ngành du lịch phải chuyển sang các nghề khác để kiếm thu nhập. Đội ngũ HDV rơi vào tình cảnh thất nghiệp, cố gắng "cầm cự" hoặc chuyển đổi ngành nghề lúc khó khăn.

Đặc biệt, có nhiều HDV vẫn say mê với nghề, cùng nhau tạo ra sự liên kết để nuôi dưỡng đam mê, chờ khó khăn qua đi. Như anh Vũ Nguyễn Minh Trí, SN1996, ngụ Tp.HCM đã cùng các anh chị đi trước, các chuyên gia tổ chức nhiều buổi giao lưu trực tuyến.

Đến nay, chương trình đã thu hút gần 2.500 lượt tham dự đến từ 30 đơn vị doanh nghiệp, trường ĐH-CĐ-TCCN có đào tạo ngành du lịch trên toàn quốc. Đây là nguồn động lực to lớn để Minh Trí và nhóm thực hiện đầu tư nội dung kịch bản hơn nữa.

Trong khi đó, anh Hoàng Nhật Linh, SN 1995, quê tỉnh Thanh Hóa đã học làm Vlog để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm du lịch những nơia mà mình đã trải qua. Dịch bệnh khiến công việc HDV của Linh bị ảnh hưởng nặng nề nhưng chàng trai trẻ vẫn luôn lạc quan.

Vào thời gian giãn cách xã hội, Linh đã học được cách làm clip và cho ra các Vlog trên mạng xã hội từ niềm đam mê nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc. Thông qua các Vlog, anh mong muốn chia sẻ kiến thức để giới thiệu, quảng bá các địa danh, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam đến người xem. Đây cũng là dịp để trau dồi và vận dụng kiến thức tích lũy được.

Còn anh Lê Minh Trực, SN năm 1994, quê tỉnh Bến Tre lại tự rèn luyện sức khỏe cho mình. Bởi theo Trực, gắn bó với công việc trong lĩnh vực du lịch phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt mới có thể theo đuổi đam mê. Nếu không có sức khỏe thì không thể nào triển khai tour tốt và chăm sóc khách chu đáo. Đối với những tour dẫn khách ra nước ngoài, sức khỏe là yếu tố quan trọng giúp HDV hoàn thành tốt chuyến đi.

"Thay vì ngồi than thở vì những ngày ở nhà nhàm chán, mình và đồng nghiệp rủ nhau làm ‘workout challenge’ (thử thách tập thể dục) để xây dựng thói quen tốt. Trong cuộc đua dài hạn mang tên ‘thành công’, không có khái niệm dừng lại. Dừng lại nghĩa là chậm, chậm nghĩa là thua", Minh Trực nói.

Dẫu biết dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và sẽ còn tiếp tục phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp, HDV trẻ luôn kỳ vọng sang năm 2022, khi đã kiểm soát được dịch bệnh, ngành du lịch sẽ khả quan hơn. Từ đó, ngành du lịch Việt Nam sẽ trở lại tốc độ phát triển vượt bậc với đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Doanh nghiệp đồng lòng khôi phục ngành du lịch

Là doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường hơn 46 năm qua với gần 100 đơn vị thành viên trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với các cuộc khủng hoảng nhưng trò chuyện với Người Đưa Tin, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) thừa nhận: “Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng quá nặng nề và chưa từng có, đặc biệt trong thời gian các địa phương giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chống dịch”.

Hiện tại, công ty này đã chuẩn bị phương án tái khởi động cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phát triển phải bảo đảm an toàn, giá thực sự cạnh tranh, đi kèm các chương trình khuyến mãi, hậu mãi đặc biệt.

"Để ngành du lịch sớm trở lại, chúng tôi kiến nghị có cơ chế chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp du lịch, cùng việc kết nối làm việc cụ thể với lãnh đạo các tỉnh, thành, doanh nghiệp đối tác lớn để chuẩn bị những kế hoạch hợp tác khi các địa phương chính thức mở cửa du lịch", ông Võ Anh Tài nói.

Nỗ lực trở lại thị trường, một số doanh nghiệp du lịch đang chủ động kết nối lại với địa phương để sớm đón khách từ Tp.HCM đi các tỉnh. Theo một số doanh nghiệp, khi dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách và đang khẩn trương xây dựng các kịch bản phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Các hãng hàng không mở lại nhiều đường bay nội địa thường lệ là cơ hội để du lịch hồi phục nhanh hơn.

Bài toán về nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp cũng như thiết kế tour đáp ứng điều kiện phòng chống dịch là thách thức cho ngành du lịch.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist, các doanh nghiệp đều sẵn sàng cho việc trở lại thông qua tuân thủ, đáp ứng những tiêu chí an toàn về phòng chống dịch đối với du khách, người làm du lịch. Điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là sự đồng bộ trong áp dụng bộ tiêu chí an toàn, quy định đưa đón khách, nhất là liên quan đến việc cách ly người đến từ các địa phương khác.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour kiến nghị: "Để du lịch khôi phục nhanh nhất lúc này, rất cần bộ tiêu chí an toàn áp dụng chung cho cả nước từ Tổng cục Du lịch hoặc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong đó có sự thống nhất với các ngành khác. Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp liên quan đến cả hàng không… Có thể ban hành thí điểm rồi trong quá trình triển khai doanh nghiệp sẽ linh hoạt sửa đổi cho phù hợp, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng tiêu chí khác nhau sẽ rất khó đón khách".

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM khẳng định: “Việc tái khởi động du lịch được thực hiện chặt chẽ cùng các địa phương với thông điệp du lịch an toàn, sống động từng trải nghiệm. Trong "Kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn Covid-19 đến năm 2022", UBND Tp.HCM xác định thị trường nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn này. Thành phố sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn, cũng như chủ động kết nối các tỉnh, thành để phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng”.

Các doanh nghiệp du lịch được vận động xây dựng sản phẩm mới theo hướng tour khép kín, tập trung sản phẩm là những chương trình về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, tham quan ngoài trời, trải nghiệm nét đặc trưng về văn hóa, con người. Các điểm đến trong chương trình du lịch ở Tp.HCM phải thuộc địa bàn "vùng xanh" theo công bố của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến