Dòng sự kiện:
Kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ tiếp sức cho chứng khoán 2018
15/01/2018 07:50:13
Tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể hướng đến mốc 7%. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm nay, nhưng kèm theo đó là nhiều đợt điều chỉnh giảm.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khiêm tốn

Trên cơ sở áp dụng phương pháp phân rã tăng trưởng, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt khoảng 6,5 - 6,8%. Với kịch bản GDP tăng trưởng 6,5%, đây là mức tăng tối ưu không gây áp lực lên lạm phát.

Còn tăng trưởng 6,8% là mức có thể đạt được khi các biện pháp kích cầu được áp dụng, nhưng sẽ gây ra áp lực lạm phát cầu kéo cho năm 2018. Nếu các chính sách cải thiện bên cung phát huy hiệu quả tốt, thì dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt mức cao hơn.

Ý kiến từ chuyên gia cũng cho rằng, tuy triển vọng tăng trưởng năm 2018 là tích cực, nhưng để đạt tốc độ cao hơn năm 2017, nền kinh tế phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức này đến từ diễn biến giá cả hàng hóa trên thế giới là ẩn số lớn đối với lạm phát. Việc khơi thông thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường lớn là Trung Quốc một mặt mang lại tăng trưởng cao cho sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lạm phát nếu không có sự chuẩn bị trước về nguồn cung.

Những mặt hàng được điều tiết bởi quyết định hành chính là y tế và giáo dục sẽ tiếp tục tăng giá. Bởi vậy việc đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% cho năm nay có nhiều thách thức hơn so với năm 2017.

Bên cạnh đó, theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm nay là kinh tế thế giới năm 2018 đang đứng trước những rủi ro do bất ổn địa chính trị. Thương mại toàn cầu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng sẽ chịu tác động nhất định bởi sự thay đổi chính sách thương mại từ đa phương sang song phương của Mỹ.

Ở trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn là thách thức lớn như: trình độ công nghệ thấp; nguồn lực đất đai, tài nguyên đang dần cạn kiệt trong khi năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tuy có chuyển biến nhưng chưa thực sự đột phá.

Các yếu tố động lực tăng trưởng ở cả tổng cung và tổng cầu như khai thác dầu, than; đóng góp của Samsung; kiều hối; dòng vốn đầu tư nước ngoài, tiêu dùng... đều đã được tận dụng và khó có khả năng duy trì được mức tăng cao như trong năm 2017.

Nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm 2017 (dưới 4%). Tuy nhiên, lạm phát năm nay có thể tăng cao hơn nếu giá điện tăng mạnh. Ước tính nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm phần trăm.

TTCK sẽ được tiếp sức?

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô trên, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi cho giảm mặt bằng lãi suất cho vay như lạm phát được kiểm soát khoảng 4%, nợ xấu nhiều khả năng được xử lý nhanh và triệt để hơn, dự báo kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng tiếp tục khả quan, thanh khoản tương đối ổn định…

Khi đó, các chuyên gia dự báo, TTCK năm 2018 có khả năng tạo ra sức bật mới. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, với triển vọng tăng trưởng GDP năm 2018 tích cực, các biện pháp cải cách quyết liệt và hỗ trợ kinh tế tư nhân của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng, các đợt thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn ngoại, thị trường cổ phiếu có khả năng tăng trưởng trong năm 2018, nhưng sẽ có những đợt điều chỉnh giảm.

Thị trường trái phiếu chính phủ trong năm nay được dự báo là ít biến động. Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ năm 2018 dự kiến thấp hơn so với năm 2017 (khoảng gần 150.000 tỷ đồng), khối lượng đáo hạn năm 2018 dự kiến cũng giảm hơn so với 2017, lãi suất trúng thầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp...

Triển vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong năm nay tiếp tục tích cực, đặc biệt tập trung vào các đợt cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, có chất lượng.

Khả năng hấp thụ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của thị trường vốn Việt Nam đã được cải thiện mạnh nhờ quy mô thị trường gia tăng, niềm tin của nhà đầu tư vào quyết tâm cải cách của Chính phủ...

Trong bối cảnh này, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước và đẩy mạnh niêm yết các doanh nghiệp lớn để tăng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh thị trường vốn đang diễn biến thuận lợi.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến