Dòng sự kiện:
Kỳ vọng về 1 Nghị quyết mới nhằm hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng
08/10/2022 10:14:42
Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII sẽ ban hành một Nghị quyết mới, với những giải pháp mới nhằm hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.

Một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện dự kiến được Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII ban hành, đó là Nghị quyết mới để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới. Nội dung này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đặt kỳ vọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhìn nhận những mặt hạn chế trong phương thức lãnh đạo của Đảng, tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Vẫn còn tình trạng chất lượng một số văn bản chưa sát thực tế; tổ chức thực hiện nghị quyết chưa nghiêm. Phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các cấp, các ngành; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn còn chậm và lúng túng, nhất là trong việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Đáng chú ý, một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng...

Từ thực tế này, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, cần tập trung đổi mới đồng bộ các nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạch định đường lối, ra Nghị quyết, tổ chức thực hiện các Nghị quyết và phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức, cán bộ.

“Cần phải có những giải pháp để đảm bảo phòng tránh chuyện “lấn sân, làm thay” hệ thống chính quyền. Trung ương nhiều lần nhấn mạnh về một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong… Đây không chỉ là nguy cơ mà trở thành thách thức không thể xem thường. Cho nên công tác cán bộ trong hệ thống chính trị cần phải được lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn”- PGS.TS Nguyễn Viết Thảo cho biết.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh tra)

Một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, đó là phải gắn chặt công tác tổ chức, cán bộ với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, nhất là các khâu đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển... cần có tư duy mới, điều chỉnh căn bản, toàn diện, thực chất trước yêu cầu mới.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, cán bộ ngoài việc có uy tín trong Đảng còn phải có uy tín trong nhân dân. Do đó, yêu cầu hiện nay đặt ra đối với cán bộ là phải chủ động, sáng tạo, không được bị động, trông chờ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình phải biết được bản thân phải làm gì, làm như thế nào, xuất phát từ mục đích, từ ý nguyện nhân dân.

"Tổng Bí thư rất nhiều lần nhắc nhở là phải vì nước, vì dân, vì cái chung. Nếu vì cái chung, vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân thì khó khăn mấy chúng ta cũng vượt qua được” - ông Nguyễn Đức Hà cho biết.

Có thể thấy phương thức lãnh đạo phải gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, chỉ có phương thức lãnh đạo hiệu quả thì Đảng mới lãnh đạo được. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải gắn liền với 3 trụ cột là phương hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phương thức lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với các chức năng của từng nhánh quyền lực bao gồm hành pháp, lập pháp và tư pháp.

GS.TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương (ảnh: Lao động)

GS.TS Lê Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi là Đảng phải nâng tầm lãnh đạo, cầm quyền trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Trong Nhà nước pháp quyền, Đảng phải thực hiện được 5 cầm: Cầm thứ nhất là cầm quyền vì dân. Thứ hai, cầm quyền theo pháp luật Đảng. Nhà nước pháp quyền là dứt khoát Đảng phải cầm quyền theo pháp luật. Thứ ba, Đảng cầm quyền dân chủ. Thứ tư, Đảng cầm quyền khoa học. Thứ năm là Đảng cầm quyền một cách liêm chính" - ông Lê Minh Thông cho biết.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII đã đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phù hợp với tiến trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng những bước chuyển mới quan trọng từ Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII với việc ban hành một Nghị quyết mới, với những giải pháp mới, có tính đột phá, khả thi cao nhằm hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh./.

Tác giả: Lại Hoa

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến