ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của VietinBank Securities tổ chức ngày 21/3.
Thêm loạt kế hoạch tăng vốn
Tuần qua, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của VietinBank Securities lại “nóng” câu chuyện tăng vốn. Chứng khoán BIDV (BSC) đang tiến gần hơn thỏa thuận bán vốn cho đối tác chiến lược. Một phương án tăng vốn như vậy có được thực hiện tại VietinBank Securities hay không là điều được cổ đông cá nhân của công ty chứng khoán này đặt ra.
Không khó hiểu khi có sự sốt ruột này bởi hàng loạt công ty chứng khoán bứt tốc tăng vốn hai năm qua. Trong giai đoạn 2015-2018, VietinBank Securities đều đặn tăng vốn nhưng đều bằng hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 6-9%. Hôm nay (28/3), Công ty chốt quyền nhận cổ tức 8% cho các cổ đông. Từ mức vốn điều lệ gần 800 tỷ đồng năm 2010, quy mô vốn của Công ty sắp tới tăng lên xấp xỉ 1.150 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn từ nguồn tiền bên ngoài được lãnh đạo VietinBank Securities cho biết sẽ có trong các kỳ đại hội tới. “VietinBank Securities sẽ tìm kiếm một số phương án khác, gồm việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng như phát hành thêm cho nhà đầu tư để đảm bảo lợi ích cho các cổ đông”, ông Trần Phúc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty nói.
Ngay kế hoạch chào bán riêng lẻ 35% vốn của BSC cũng phải mất tới 2 năm kể từ khi công bố từ cuộc họp cổ đông năm 2020 đến khi hoàn tất chốt nhà đầu tư (Hana Financial Investment) và giá trị thương vụ (2.700 tỷ đồng) ở thời điểm hiện tại. Một phần nguyên nhân làm chậm tiến độ chào bán, theo lãnh đạo Công ty, cũng đến từ ảnh hưởng của Covid-19. Tuy vậy, với việc thị giá cổ phiếu tăng mạnh từ 14.000 đồng thời điểm 2 năm trước lên khoảng 40.000 đồng, độ trễ thời gian lại giúp BSC “chốt” được mức giá gấp 4,1 lần mệnh giá.
Ở góc khác trên đường băng tăng vốn, hàng loạt công ty đang sẵn sàng cho những cú bật xa. VNDirect đã chốt quyền bán cổ phiếu VND cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) từ ngày 10/3. SHS vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán 325 triệu cổ phiếu SHS. HĐQT SSI đã công bố phương án phát hành chi tiết cho đợt chào bán 994,75 triệu cổ phiếu SSI cho cổ đông. Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu VND, 12.000 đồng/cổ phiếu SHS và 15.000 đồng/cổ phiếu SSI, số tiền 3 công ty chứng khoán huy động mới lên tới 1 tỷ USD, nếu chào bán thành công 100%.
Giữa tháng 2/2022, Chứng khoán VPBank được cổ đông phê duyệt phương án chào bán 865,12 triệu cổ phần cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phần. Dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 5/4 tới, Chứng khoán Rồng Việt trình cổ đông phương án tăng vốn gấp đôi, lên 2.100 tỷ đồng thông qua 4 đợt phát hành.
Còn Chứng khoán Tiên Phong (mã ORS) lên kế hoạch phát hành thêm 300 triệu cổ phiếu qua hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu (200 triệu cổ phiếu) và chào bán riêng lẻ (100 triệu cổ phiếu). Chứng khoán Alpha và Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông qua kế hoạch phát hành 35,2 triệu cổ phiếu và 34,1 triệu cổ phiếu mới, đều phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu, dự kiến tăng vốn lên gấp đôi, gấp ba lần.
Áp lực bài toán hiệu quả kinh doanh
Chỉ vỏn vẹn 2 năm, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Cơ sở nhà đầu tư mở rộng là động lực và cũng là yêu cầu khiến các công ty chứng khoán tự nâng cao năng lực tài chính. Chỉ tính riêng top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất, quy mô vốn đã tăng mạnh 64,5%, từ 28.827 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2020 lên 47.414 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bứt phá, đa phần tăng bằng lần từ mức đáy tháng 3/2020. Tuy nhiên, đà tăng này đang chững lại. Áp lực từ lượng cổ phiếu mới phát hành là một trong các nguyên nhân khiến dòng cổ phiếu này lặng sóng các tháng gần đây, dù giá trị giao dịch trên thị trường - yếu tố hàng đầu tác động lên doanh thu phí môi giới vẫn neo cao.
VDSC dù dự kiến tăng gấp đôi lượng cổ phiếu lưu hành, nhưng kế hoạch kinh doanh trình cổ đông lại thấp hơn 5,5% so với kết quả thực hiện năm 2021. EPS năm tới sẽ không còn “hấp dẫn” như năm trước. Còn với SHS, tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu là 33%. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ cũng giảm mạnh từ mức 43% năm 2021 xuống xấp xỉ 29%.
Tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng và hiệu quả, nhiều công ty chứng khoán đang có những hướng đi mới. SSI và công ty con trong ngành quản lý quỹ (SSIAM) mới đây đã hợp tác triển khai Khu công nghiệp Ninh Sơn - Khánh Hòa cùng Shinec - đối tác có năng lực và kinh nghiệm về phát triển khu công nghiệp.
Hay VDSC chỉ thu về 55 tỷ đồng từ mảng bảo lãnh phát hành, góp 5,4% tổng doanh thu năm 2021. Tuy vậy, lĩnh vực này đang là ưu tiên hàng đầu của Công ty trong kế hoạch sử dụng vốn huy động được từ đợt phát hành, bên cạnh hoạt động đầu tư và hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ/ứng trước.
Tác giả: Thanh Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy