Dòng sự kiện:
Lãi suất 2019: Áp lực vẫn hiện hữu
08/01/2019 09:00:24
Áp lực lạm phát năm 2019 được dự báo vẫn còn rất lớn khi mà giá dầu thế giới vẫn biến động bất thường.

Trong khi trong nước nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng như điện, giáo dục, y tế… đang tạo nhiều sức ép đến mặt bằng lãi suất.

Áp lực đầu năm

Ghi nhận trên thị trường thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất huy động. Đơn cử như VIB nâng lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng từ 6,3% - 6,8%/năm lên 7- 7,5%/năm; BacA Bank tăng lãi suất kỳ hạn 9 tháng từ 7,5%/năm lên 7,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 7,7%/năm lên 7,9%/năm. BIDV, ABBank, DongA Bank... cũng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi.

Thanh khoản của các ngân hàng vẫn rất ổn định

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, đó cũng là điều hoàn toàn bình thường khi mà giai đoạn này nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng có xu hướng tăng cao hơn để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của người dân và doanh nghiệp cũng thường tăng rất cao trong giai đoạn cận Tết. Bên cạnh đó, việc Fed tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp diễn ra ngày 18-19/12 đã hỗ trợ cho đồng USD trên thị trường thế giới phục hồi nhẹ trở lại, tạo áp lực đến tỷ giá và lãi suất trong nước. “Để giữ chân tiền đồng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng là không lớn cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn đang rất ổn định”, vị chuyên gia này cho biết.

Tuy nhiên, do áp lực lạm phát năm 2019 được dự báo vẫn còn rất lớn khi mà giá dầu thế giới vẫn biến động bất thường, trong khi trong nước nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng như điện, giáo dục, y tế… đang tạo nhiều sức ép đến mặt bằng lãi suất.

Quả vậy, năm 2019, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,6 - 6,8% và kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Theo các chuyên gia, với đà tăng trưởng như năm nay sẽ tạo ra gia tốc khiến áp lực lên lạm phát càng lớn hơn, từ đó tạo gánh nặng lên lãi suất.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu vẫn có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tình hình kiểm soát lạm phát: diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó đoán định, trường hợp nếu có leo thang sẽ làm giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trên thế giới, giảm nhu cầu về dầu hoả, từ đó giữ giá dầu ở mức thấp. Cộng thêm những biến động khác trên thế giới, ví dụ Brexit. Dù chưa rõ hai bên có đi tới được một thoả thuận rõ ràng không, nhưng việc Anh rời khỏi EU sẽ tạo ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của toàn cầu, từ đó có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu. Nếu xuống dưới mức 3% lại có thể tạo điều kiện cho nhiều quốc gia kiểm soát được lạm phát, trong đó có Việt Nam.

Thêm nữa, cũng có một điểm cần lưu ý là, “Anh cũng như các nước liên minh EU không phải là thành viên của các nước CPTPP, nên đối với Việt Nam sẽ không có tác động không trực tiếp, mà là gián tiếp thông qua việc Brexit tác động tới kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới thị trường Việt Nam”, ông Hiếu chia sẻ.

Năm 2019 có nhiều yếu tố bất lợi cho việc giữ ổn định lãi suất

Nhiều sức ép

Một yếu tố nữa cũng cần phải nói tới đó là tỷ giá. TS. - LS. Bùi Quang Tín nhận định, áp lực tỷ giá năm nay cũng không kém gì so với năm 2018, thậm chí có phần căng thẳng hơn khi mà Fed vẫn dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho dù tốc độ có chậm hơn; trong khi NHTW châu Âu cũng đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng và có thể tăng lãi suất vào mùa thu tới nếu điều kiện thuận lợi.

Chưa hết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến khó lường. Mặc dù Mỹ - Trung đã thỏa thuận tạm thời “đình chiến” trong thời hạn 90 ngày, song giới phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tiếp tục leo thang và kéo dài do mâu thuẫn giữa hai bên không đơn thuần là về vấn đề thương mại. Điều đó một mặt làm chậm lại tăng trưởng và thương mại toàn cầu, từ đó ảnh hưởng tới các nền kinh tế mới nổi vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại này nếu kéo dài có thể khơi mào cho một cuộc chiến tiền tệ. Trên thực tế, mặc dù Trung Quốc tuyên bố không phá giá tiền tệ để tạo lợi thế xuất khẩu, thế nhưng cho đến nay nước này vẫn không có động thái gì để chặn lại đà rơi của đồng nhân dân tệ mà thậm chí còn nới lỏng thêm tiền tệ, khiến “nền tảng” của đồng nhân dân tệ càng thêm suy yếu.

Theo giới phân tích, việc đồng nhân dân tệ giảm giá đã giúp Trung Quốc hóa giải được phần nào tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên điều đó cũng tạo thêm áp lực đến tỷ giá của nhiều nền kinh tế mới nổi khác, kể cả Việt Nam. Để ổn định tỷ giá, lẽ đương nhiên mặt bằng lãi suất VND sẽ khó có thể giảm.

Một yếu tố nữa gây áp lực lên lãi suất năm nay cũng được giới chuyên gia đề cập là nợ xấu. Kết quả kinh doanh 2018 của nhiều ngân hàng rất khả quan nhưng tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng tăng lên. Nợ xấu tăng, đồng nghĩa với chi phí hoạt động của các ngân hàng cũng tăng theo, áp lực lại đè lên lãi suất.

Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng năm nay NHNN sẽ khống chế tăng trưởng tín dụng trong khoảng 14-15%. Tín dụng được siết chặt hơn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của các ngân hàng, đặc biệt là với những ngân hàng nhỏ. Trong khi đó, nhu cầu vốn trong nền kinh tế vẫn rất lớn, vì thế không có lý do để lãi suất có thể giảm.

“Việc giảm lãi suất trong năm 2019 là rất khó mà giữ được mặt bằng lãi suất ổn định như năm trước đã là thành công”, giới chuyên gia nhận định.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến