Dòng sự kiện:
Lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới?
01/04/2022 13:20:16
Nhờ dịch Covid-19 dần được kiểm soát, kinh tế phục hồi, cầu vốn tín dụng bật tăng ngay trong quý I/2022. Liệu mặt bằng lãi suất có giữ được ổn định thời gian tới, khi chi phí đầu vào tăng?

Cầu vốn tăng cao khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,3-0,2%.

Dư nợ tăng mạnh trong quý I/2022

Theo số liệu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% (trong đó tín dụng VND tăng 2,34%, ngoại tệ tăng 3,96%).

Đáng chú ý, tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM khá tích cực trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, 3 tháng đầu năm 2022, tín dụng trên địa bàn ước tăng 3,65% và 13,1% so với cùng kỳ, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, hoạt động tín dụng tăng trưởng tích cực và đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Trước đó, đến cuối tháng 2/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 2,65% so với cuối tháng 2021 và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, bình quân mỗi tháng, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM tăng hơn 1,2% và riêng tháng 3/2022 tăng 1%. Trong đó, theo ông Lệnh, ở một số ngành lĩnh vực như công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch - khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tín dụng tăng trên 5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,58%; vận tải kho bãi tăng 9,06%; khai khoáng tăng 6% so với cuối năm 2021...

Các ngân hàng cũng cho hay, tín dụng tăng trưởng theo hướng tích cực trong quý đầu năm nay. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%. Đó cũng là lý do ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng đạt khoảng 5.500 tỷ đồng. Lãnh đạo MB cũng cho biết, đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới.

Lãi suất có thiết lập mặt bằng mới?

Cầu vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản ấm... đã khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng 0,3-0,2% trong 2 tháng trở lại đây. Mức cao nhất trên thị trường lên 7,6%/năm thuộc về Ngân hàng SCB với kỳ hạn 13 tháng. Saigon Bank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. ACB và VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 - 0,2%/năm...

Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2021. Đây là tháng tiền gửi của người dân tăng mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng, tương đương giảm 1,21%, xuống hơn 5,57 triệu tỷ đồng… Thế nhưng, so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, thì huy động tiết kiệm vẫn khá chậm. Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/2, huy động vốn của ngành ngân hàng chỉ tăng 1,29% so với cuối năm 2021.

Các nhà phân tích của Công ty SSI cho rằng, nhiều khả năng, lãi suất đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân trong năm 2021 trước áp lực tín dụng hồi phục trong năm 2022.

Công ty Chứng khoán BVSC nhận định rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bà Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Về lãi suất, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Trước chỉ đạo đó, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, không lo thiếu vốn giá rẻ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, dù lãi suất tiền gửi đang dần nhích lên.

Một quản lý của Techcombank cho rằng, khi lãi suất huy động ngân hàng tăng thì người gửi thay vì đầu tư vào các tài khoản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu, họ sẽ chuyển sang phần tiền gửi có kỳ hạn, an toàn hơn và lãi suất cũng tương xứng. Tuy nhiên, nếu lãi suất tăng thì tiền gửi không kỳ hạn (CASA) - nguồn vốn rẻ vẫn sẽ không ảnh hưởng, bởi mục tiêu chủ yếu của CASA là để giao dịch, chứ không phải để hưởng lãi suất.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến