Lãi suất huy động “nóng”: “Hy vọng lãi suất cho vay giảm thêm 0,5 - 1%”
02/03/2016 15:26:11
“Chính phủ và NHNN đang có chính sách ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm nợ xấu. Chúng ta có thể hy vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 0,5 - 1%”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Tin liên quan

Áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thừa nhận trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn.

Ông Dũng cho biết, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các TCTD hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn; giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.

Ba lý do đẩy lãi suất tăng lên

Tuy nhiên sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn.

Thứ nhất, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, NHNN

Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 – 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.

Thứ ba, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

“Trong điều kiện thách thức như vậy, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh.

Đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn toàn hệ thống. Qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá”, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ tiếp tục có các giải pháp, công cụ điều hành mới, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện của thị trường tiền tệ nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vẫn còn hy vọng giảm lãi suất?

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng lãi suất đang có xu hướng tăng lên nhưng theo tôi không nhiều. Mức độ tăng lãi suất là do quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ, lạm phát, nhu cầu tín dụng đang có xu hướng tăng chút ít.

“Tuy nhiên Chính phủ và NHNN cũng đang có chính sách ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm nợ xấu. Đây là một trọng tâm của chính sách tiền tệ trong năm 2016. Chúng ta có thể hy vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm 0,5 - 1%”, ông Nghĩa nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng triển vọng lãi suất tiền đồng có xu hướng tăng trong năm 2016. Tuy nhiên, có rất nhiều nhân tố tác động theo hướng thuận chiều và ngược chiều tới lãi suất.

Một trong những nhân tố có thể giúp làm giảm lãi suất cho vay là chi phí dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động của ngân hàng thương mại có thể giảm trong thời gian tới do giai đoạn căng thẳng phải tái cơ cấu đã cơ bản đi qua.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng việc một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất chỉ áp dụng cho các kỳ dài hạn và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi rất lớn (hàng chục tỷ đồng trở lên), do vậy mức lãi suất này sẽ không ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay.

BVSC cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng trên là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36 dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%.

“Mặt bằng lãi suất huy động cao hơn sớm muộn sẽ kéo lãi suất cho vay tăng theo dù có độ trễ nhất định. Tuy vậy, cũng cần chờ xem việc tăng lãi suất này có diễn ra trên diện rộng, taọ thành cuộc đua giữa các ngân hàng hay không? Nếu điều này không diễn ra, sẽ chưa phải quá lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại”, BVSC nhận định.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến