Dòng sự kiện:
Lãi suất không lỗi nhịp
20/10/2018 21:02:30
Kể từ khi ngồi ghế 'nóng' tư lệnh ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng chưa từng trả lời phỏng vấn chi tiết một tờ báo nào về chính sách và phương thức điều hành tiền tệ.

Mỗi lần gặp gỡ cánh báo chí phía Nam, khi “bị” nhắc, ông  chỉ nhẹ nhàng, đại khái sẽ trả lời vào thời điểm thuận lợi. Tuy vậy, những gì NHNN đang thực thi trên “mặt trận” tiền tệ cho thấy sự quyết liệt, tập trung và dứt khoát cao độ để hướng tới mục tiêu đề ra.

Sự phát triển của kinh tế đang ngày một phụ thuộc ít hơn vào vốn ngân hàng.

Tăng trưởng GDP quí 3/2018 cao hơn dự kiến của giới nghiên cứu và doanh nghiệp khá nhiều, tới 6,98%, trong khi đó Tổng cục Thống kê thông báo tăng trưởng tín dụng đến ngày 20-9-2018 ước đạt 9,52%, tương đối thấp so với cùng kỳ. Đã có những ý kiến cho rằng sự phát triển của kinh tế đang ngày một phụ thuộc ít hơn vào vốn ngân hàng và đó là điều đáng mừng.

Chẳng có quan chức NHNN nào đề cập đến khía cạnh này. Đại diện các ngân hàng thì nói đang tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động phi tín dụng. Chỉ có doanh nghiệp, nhất là những công ty trong các lĩnh vực cần nhiều vốn, bắt đầu xoay sở nhiều hơn. Trên thực tế, những số liệu về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có vẻ không cao, song lại rất cao nếu xét về số tuyệt đối.

Cách đây ba năm, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức khoảng 4,1 - 4,2 triệu tỉ đồng. Trong những năm 2015 - 2017 tín dụng tăng trưởng bình quân chừng 17 - 18%/năm. Theo NHNN, đến tháng 7/2018, tổng dư nợ của toàn hệ thống đã lên đến 6.842.262 tỉ đồng. Giờ đây, chỉ cần tín dụng tăng 1%, thì tức tới 68.400 tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế. Ở quy mô như thế này, cân nhắc để điều chỉnh tín dụng lên hay xuống 1 - 2%/năm là chuyện nhức đầu!

Ngoài tín dụng, hàng năm thị trường tiền tệ còn đón nhận sự tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán ở mức ngang ngửa tín dụng. Cũng đến tháng 7-2018, NHNN cho biết, tổng phương tiện thanh toán đã đạt 8.842.552 tỉ đồng, trong đó tiền gửi của tổ chức kinh tế là 3.138.683 tỉ đồng; tiền gửi của dân cư 4.273.870 tỉ đồng. Như vậy, còn 1.429.999 tỉ đồng là nguồn đưa ra của NHNN. Nói cách khác là in tiền.

Để có được một đồng tăng trưởng GDP, nền kinh tế của chúng ta tiêu một lượng tiền đầu vào không hề nhỏ. Mức tăng cung tiền đang ngày một lớn, chưa kể sự quay vòng của tiền trên thị trường để tạo ra một lượng vốn gọi là “tiền đẻ ra tiền”. Trong điều kiện ấy, bơm hút tiền hàng ngày và tính toán để công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày để vừa đảm bảo thanh khoản, vừa cân đối lãi suất - tỷ giá sao cho lạm phát “êm đẹp” là vô cùng phức tạp. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN và bản thân Thống đốc NHNN là tác giả chịu trách nhiệm trực tiếp cho tiền vào - tiền ra.            

Trước tháng 6/2018, trao đổi với người viết bài này, Thống đốc Hưng vẫn lo năm nay tiền đồng có thể lên giá mạnh so với đô la Mỹ. Diễn biến tiền tệ những tháng đầu năm với nguồn cung ngoại tệ chảy vào Việt Nam tăng thêm hàng chục tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ là điều chưa từng xảy ra trong quá khứ. Rồi đột ngột từ giữa tháng 6/2018, thị trường tài chính bên ngoài quay ngoắt 180 độ. Nếu tay chèo lúc đấy mà không vững chãi, hẳn “con thuyền” tiền tệ đã chòng chành!  

Cũng tháng 6/2018, Thống đốc cho biết dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% trong khi đầu năm mức công bố 17%. Nay thì con số 15%, theo chúng tôi, có lẽ cũng sẽ không chạm đến được. Và như thế là thật sự phù hợp với thị trường!

Không nhiều lời phát biểu công khai trên các diễn đàn, vẫn chỉ là những trả lời mang tính định hướng: thả nổi có kiểm soát tỷ giá, lãi suất ổn định để hỗ trợ tăng trưởng GDP, lạm phát đạt chỉ tiêu Quốc hội giao phó, tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, song nhà điều hành đang “âm thầm” thắt chặt tiền tệ một cách có chủ đích. Nếu không làm vậy từ bây giờ, nếu không trải trước những viên gạch lót đường, làm sao năm tới giữ được thị trường tiền tệ khi mà “cơn bão” tài chính bên ngoài đang gia tăng cung bậc?

Thống đốc Hưng kể một lần ông về thăm mẹ. Bà hỏi: “Thế bao giờ anh trả lời chất vấn (Quốc hội)?”. Ông đáp: “Dạ ngày mai ạ”. Bà nói: “Lần trước anh trả lời chất vấn, các cụ lão thành trong tổ khu phố đến nhà cùng xem ti vi. Anh nói lãi suất ổn định, nhưng chúng tôi chưa đồng ý. Lãi suất tiết kiệm thấp quá”. Ông bảo nhìn từ đây, lãi suất tiền gửi mà hạ nữa, ngân hàng sẽ khó huy động vốn. Thực ra năm nay, mức tăng vốn huy động của hệ thống đã và đang thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng đang phải co kéo cân đối đầu vào - đầu ra. Theo NHNN, tỷ lệ tín dụng trên vốn huy động đến tháng 7/2018 của bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đã lên 93,7%.

Sự đi lên của lãi suất đang diễn ra trên nhiều góc độ, từ cho vay đến huy động, từ liên ngân hàng đến độ mở của tổng phương tiện thanh toán. Ở các góc độ, phải khách quan nhìn nhận NHNN khá chủ động và độc lập - một sự chủ động buộc phải có bởi NHNN là người chịu trách nhiệm chính về sự ổn định giá trị tiền đồng và kiểm soát lạm phát.

Lãi suất sẽ không lỡ nhịp trên đường đi từ nay đến cuối năm và cả năm sau. Một mặt bằng lãi suất mới đang được định hình toàn diện và sự tác động đến kinh tế sẽ rõ nét dần. Doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ gian nan trước. Doanh nghiệp có tiền dư dả gửi ngân hàng dạng như Vinamilk sẽ hưởng lợi. Đối tượng gửi tiết kiệm sẽ dễ chịu hơn. Bộ Tài chính đã và sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất để phát hành trái phiếu chính phủ. Tương tự công ty nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ cõng thêm lãi suất. Còn tỷ lệ chiết khấu của chứng khoán thì vô chừng. Thị trường chứng khoán vốn dĩ “đỏng đảnh” và sức chịu đựng kém trước tâm lý đám đông. 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến