Theo báo cáo của NHNN về diễn biến thị trường ngoại tệ và thị trường liên ngân hàng tuần gần cuối tháng 5 (17-21/5/2021), doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh (chủ yếu là doanh số giao dịch qua đêm chiếm 78% và kì hạn 1 tuần). Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND giảm nhẹ.
Trong khi đó, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng dao động nhẹ so với mức lãi suất tuần trước ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 1,22%/năm, 1,39%/năm và 1,56%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng đối với các giao dịch bằng USD trong tuần không thay đổi nhiều so với tuần trước.
Dù có xu hướng dần ổn định nhưng lãi suất vay mượn vốn giữa các ngân hàng các kỳ hạn ngắn hiện vẫn thiết lập được mặt bằng mới
Xu hướng lãi suất nhích tăng dần trên thị trường liên ngân hàng đã diễn ra trong suốt những tuần vừa qua. Chốt đến cuối tháng 5, theo báo cáo thị trường của CTCK SSI, bộ phận Research cho biết lãi suất liên ngân hàng đã tăng 0,03-0,09 điểm %, chốt tuần ở mức 1,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Đây là lợi suất cho vay liên ngân hàng cao nhất từ đầu năm. So với cuối tháng 4, mức này cũng đã cao hơn 0,35-0,53 điểm %. Điều này cho thấy cung cầu trên liên ngân hàng chưa đến mức căng thẳng nhưng nguồn cung VND của các ngân hàng thương mại lớn đã hạn chế hơn giai đoạn trước.
Tại bảng cập nhật dữ liệu lãi suất liên ngân hàng của NHNN công bố tới ngày áp dụng 3/6/2021, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng cao hơn trước đó, cho cả các kỳ hạn phổ biến qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với lần lượt 1,39%; 1,51% và 1,82%.
Các chuyên gia cho rằng lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục nhích lên trong tuần tới khi thị trường chứng khoán vẫn đang trong chuyến tàu cao tốc dự kiến lao tới đỉnh 1.400 điểm, trong số đó nhóm hành khách đông đảo đang có quyền lực nắm giữ sự chi phối thanh khoản thị trường đại đa số là các nhà đầu tư F0. Không ít nguồn tiền trong tài khoản của các nhà đầu tư F0, được trích rút từ tài khoản tiết kiệm nhàn rỗi để chảy vào kênh chứng khoán - được ví là sôi động sinh lời hơn so với sự bất động ở các kênh khác, dẫn đến các ngân hàng bị hao hụt huy động phải gia tăng vay mượn qua đêm hay tuần. Nhưng lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ không tăng quá mạnh. Hay nói cách khác tình trạng vay mượn đẩy doanh số lẫn lãi suất giao dịch giữa các tổ chức lên quá cao sẽ không xảy ra vì đã thiết lập một mặt bằng mới.
Theo thống kê của Fiinpro và FDIT, trong quý I/2021, tổng huy động của các ngân hàng đã tăng trưởng tích cực đạt 14,48%, trong đó, đã tổng tiền gửi khách hàng theo quý đã nâng từ 6,410,092 tỷ đồng quý I/2020 lên 7,338,028 tỷ đồng ở quý I/2021. Lưu ý cuối tháng 3, trên thị trường 1 các ngân hàng đã có điều chỉnh cục bộ lãi suất tăng nhẹ ở một số đơn vị và hiện nay tình trạng đó vẫn đang diễn ra ở nhiều tổ chức có nhu cầu tăng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư. Và nhìn trên toàn hệ thống, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cao hơn tốc độ tăng trưởng huy động. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến doanh số giao dịch và lãi suất vay mượn giữa các tổ chức tăng.
Trong quý I/2021, tổng huy động của các ngân hàng đã tăng trưởng tích cực. (Ảnh: Giao dịch tại Sacombank)
Một chỉ báo khác khi lãi suất liên ngân hàng, đặc biệt giao dịch qua đêm giữa các nhà băng, chỉ tăng mạnh ở các kỳ hạn với giao dịch bằng VND, cho thấy các ngân hàng đang có nhu cầu VND hơn USD. Một chuyên gia cho rằng đây có thể là kết quả phần nào của chính sách điều hành ngoại hối mà trước đây NHNN đã ban hành để hạn chế việc mua vào quá nhiều ngoại tệ, nhằm ứng phó với cáo buộc thao túng ngoại tệ mà Mỹ đưa ra.
Theo đó, NHNN từ tháng 1/2021 đã chuyển nhịp giao dịch, ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay; song song đó là thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. NHNN cũng quy định mỗi TCTD chỉ được hủy ngang 01 lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.
"Với chính sách trên, các ngân hàng có thể tạm thời rơi vào tình trạng “xưa nay hiếm” là thiếu VND, dư USD. Tuy nhiên, theo kế hoạch thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn (forward) đến thời điểm, NHNN sẽ hút USD và sẽ có một lượng tiền VND lớn được bơm ra giải cơn khát VND của các nhà băng ngay trong tháng này", chuyên gia lưu ý.
Tác giả: Lê Mỹ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy