Dòng sự kiện:
Lãi suất liên ngân hàng tăng rồi giảm, 'cuộc chiến' huy động vốn vẫn khốc liệt
02/03/2019 20:05:56
Thanh khoản trên thị trường tiền tệ có diễn biến căng thẳng trong tháng 1/2019, sau đó giảm dần. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng lên rồi giảm xuống, nhưng cuộc đua lãi suất huy động vẫn khốc liệt.

Giai đoạn từ cuối năm 2018 đến nay, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Bước vào tháng đầu tiên của năm 2019, thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng VND vẫn khá căng thẳng, đặc biệt trong nửa sau của tháng. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao so với cùng kỳ, trong khoảng 4,6 - 4,8%/năm với kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần và trong khoảng 5,0 - 5,2%/năm với kỳ hạn 1 - 3 tháng. Bình quân tháng 1/2019, lãi suất ở mức 4,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, tương đương với mức bình quân tháng 12/2018, nhưng cao hơn khoảng 2,5%/năm so với tháng 1/2018.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 1/2019 đạt khoảng 43.000 tỷ đồng, thấp hơn 6,5% so với mức bình quân của tháng 12/2018, nhưng cao hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước; giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần (chiếm 64% tổng khối lượng giao dịch).

Thanh khoản thị trường duy trì trạng thái căng thẳng do các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất vẫn chiếm ưu thế. Chẳng hạn, nguồn cung thanh khoản tiếp tục giảm trong bối cảnh huy động vốn tăng trưởng chậm do khối lượng lớn tiền mặt rút khỏi lưu thông để phục vụ nhu cầu thanh toán trước Tết âm lịch. Trong khi đó, tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm với, mức tăng cao hơn 1,6% so với tăng trưởng huy động vốn và là mức tăng cao nhất của tháng 1 trong vòng 3 năm gần đây. Theo đó, chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND thu hẹp hơn 100.000 tỷ đồng trong tháng 1/2019.

“Để hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong giai đoạn trước Tết âm lịch, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng ra thị trường gần 150.000 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và mua ngoại tệ. Đây cũng là mức bơm ròng cao thứ hai so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, chỉ thấp hơn mức bơm kỷ lục hơn 250.000 tỷ đồng của năm 2017”, một lãnh đạo cao cấp của BIDV cho biết.

 

Trong tháng 2/2019, nhiều nhà phân tích cho rằng, thanh khoản thị trường có xu hướng được cải thiện. Mặt bằng lãi suất giảm dần, nhất là trong giai đoạn nửa sau của tháng. Biên độ dao động của lãi suất vào khoảng 3,5 - 4,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 4,5 - 5,0%/năm với kỳ hạn 3 tháng.

Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, BIDV đánh giá, xu hướng giảm của lãi suất trong tháng 2/2019 được hỗ trợ bởi các yếu tố sau.

Một là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, thận trọng, nhưng mức độ thắt chặt có xu hướng giảm và dịch chuyển sang trạng thái cân bằng hơn, trong bối cảnh môi trường quốc tế cũng như trong nước diễn biến tích cực hơn.

Hai là, huy động vốn dự kiến tăng trưởng nhanh trở lại trong bối cảnh lượng lớn tiền mặt sẽ quay trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết âm lịch, kéo theo chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND dự kiến mở rộng thêm khoảng 60.000 - 80.000 tỷ đồng trong tháng 2/2019.

Ba là, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng dự kiến duy trì ở mức cao do tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển vẫn ở mức thấp vào thời điểm đầu năm. Tính đến hết ngày 31/1, ước giải ngân mới chỉ đạt 0,5% so với kế hoạch mà Quốc hội giao cho năm 2019.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền đồng bình quân trên thị trường liên ngân hàng ngày 21/2 giảm 0,8 - 1,7%/năm so với đầu tháng 2. Cụ thể, lãi suất tiền đồng qua đêm giảm xuống 4,05%/năm, lãi suất 1 tuần giảm còn 4,11%/ năm, lãi suất 2 tuần và 1 tháng xuống lần lượt 4,2%/năm và 4,43%/ năm. Lãi suất giảm mạnh nhất ở kỳ hạn 3 tháng, từ 6,28% năm xuống 4,62%/năm. Tuy nhiên, doanh số giao dịch lại tăng mạnh: kỳ hạn qua đêm của ngày 21/2 là 33.374 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng; kỳ hạn 1 tuần là 21.254 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng...

Dẫu vậy, VietCapitalBank là ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất huy động cao nhất, lên đến 8,7%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng. Với NCB, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng đang áp dụng là 8,5%/năm. Bac A Bank, BaoVietBank, GPBank cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động khá cao, lần lượt là 8,4%/năm, 8,2%/năm và trên 8%/năm cho kỳ hạn dài.

Các ngân hàng tầm trung như Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB… cũng điều chỉnh tăng mạnh lãi suất đầu kể từ đầu tháng 2. Theo đó, từ ngày 11/2/2019, Techcombank áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm thay vì mức 6%/năm trước đó; kỳ hạn từ 7 - 11 tháng áp dụng lãi suất 6 - 6,1%/năm, trong khi biểu lãi suất triển khai trước Tết là 5,8 - 5,9%/năm.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về tình hình các ngân hàng tăng lãi suất, giám đốc tiền tệ một ngân hàng nhận định, có lẽ các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, còn thực tế cung tiền trên thị trường có vẻ không tăng.

“Tuy nhiên, thực tế cũng tồn tại một vấn đề là khi các ngân hàng khác tăng lãi suất huy động mà ngân hàng mình không tăng thì các ngân hàng thường lo ngại khách hàng chuyển qua đặt mối quan hệ với ngân hàng khác, nên phải điều chỉnh lãi suất của ngân hàng mình”, vị giám đốc trên nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Cuộc đua lãi suất sẽ khốc liệt trong thời gian tới, nhằm đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến