Dòng sự kiện:
Lãi suất sẽ ổn định theo hướng giảm dần
07/11/2019 14:19:58
Nhiều chuyên gia nhận định, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi lãi suất trên thị trường Việt Nam, nhưng xu hướng chung là ổn định từ nay đến cuối năm.

NHNN: Chủ động linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Ngày 30/10, Fed thông báo giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Cụ thể, Fed hạ lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 1,75 - 2%/năm xuống biên độ 1,5 - 1,75%/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hiếu, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng, thị trường đã dự báo về quyết định của Fed từ trước, nên không bất ngờ.

“Fed hạ lãi suất nhằm đề phòng nền kinh tế đang có dấu hiệu yếu đi. Và từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ ổn định và không hạ nữa”, ông Hiếu nhận định.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam cho biết, tuyên bố giảm lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm của Fed nhằm kéo dài tăng trưởng kinh tế Mỹ. Động thái này không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích.

Tuy nhiên, trong tuyên bố chính sách được cập nhật, Fed đã đưa ra một số thay đổi về định hướng chính sách.

Cụ thể, Fed tiếp tục theo dõi ảnh hưởng của những thông tin sắp tới, nhưng không còn nói rằng sẽ hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng. Thay vào đó, Ủy ban FOMC sẽ đánh giá đường đi phù hợp của lãi suất mục tiêu.

Sự thay đổi này được giới quan sát xem như một dấu hiệu cho việc Fed có khả năng chuyển qua trạng thái quan sát và chờ đợi trước khả năng có cắt giảm thêm lãi suất nữa hay không.

Đối với thị trường trong nước, ông Khoa cho hay, trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái hạ một loạt lãi suất điều hành khoảng 25 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 9, là đợt điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 7/2017, khi mà NHNN lúc đó đã cố gắng giải quyết đà tăng trưởng chậm, sau đó tiếp tục cắt giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm vào tháng 10/2019.

Tuy nhiên, những lần hạ lãi suất này mang tính chủ động hơn, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức ấn tượng.

“2019 vốn là một năm có nhiều thử thách cho các nền kinh tế châu Á, tuy nhiên, Việt Nam vẫn thể hiện bộ mặt kinh tế lạc quan với mức tăng trưởng ấn tượng 7% trong 9 tháng đầu năm, đóng góp từ mức tăng của hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP thậm chí vượt mức kế hoạch 6,6 - 6,8% mà Chính phủ đề ra, trong khi lạm phát thường xuyên duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nằm dưới mục tiêu bình quân 4% của Chính phủ”, ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, đứng từ góc độ đó có thể thấy, lần giảm lãi suất gần nhất của NHNN phản ánh chính sách điều hành thận trọng, chủ động phòng ngừa các rủi ro bên ngoài.

Bên cạnh đó, năm ngoái, rất nhiều quốc gia trong khu vực tăng lãi suất điều hành, thì Việt Nam duy trì được mặt bằng lãi suất ổn định.

Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay cũng phản ánh sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Việc chủ động cắt giảm lãi suất này, kết hợp với những yếu tố vĩ mô thuận lợi như sự ổn định của tỷ giá, lãi suất và dự trữ ngoại hối tăng, sẽ tạo đủ dư địa về chính sách, nhưng NHNN vẫn có cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc các yếu tố như động thái tiếp theo của Fed, khả năng về một thỏa thuận thương mại có thể đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực.

Ông Hiếu nhấn mạnh thêm: “Fed hạ lãi suất không tác động quá nhiều tới Việt Nam, bởi mọi việc đã được dự báo trước”.

Lãi suất nếu tăng cũng chỉ mang yếu tố mùa vụ

Thực tế, yếu tố thị trường cũng hỗ trợ sự ổn định của lãi suất. Cụ thể, thanh khoản thị trường liên ngân hàng với VND trong quý III/2019 về tổng thể vẫn được duy trì một cách ổn định, thậm chí lãi suất có xu hướng giảm.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, tính từ đầu tháng 7, lãi suất kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần giảm 1,5 - 2%/năm, từ mức 3,8 - 4,0%/năm xuống 2,3 - 2,5%/năm vào cuối tháng 9. Mặc dù vậy, có thời điểm lãi suất tăng 1,3 - 1,4%/năm, lên khoảng 4,3%/năm với kỳ hạn từ qua đêm đến 1 tuần vào tuần cuối của tháng 8, khi thị trường rơi vào trạng thái khan thanh khoản đột ngột.

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường khá dồi dào trong quý III, NHNN vẫn thường xuyên sử dụng công cụ phát hành tín phiếu, với khối lượng gọi thầu khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên và duy trì ở kỳ hạn 1 tuần.

Công cụ thị trường mở (OMO) chỉ được sử dụng trong thời điểm thanh khoản đột ngột căng thẳng vào tuần cuối của tháng 8, với khối lượng tương đối hạn chế.

Ngoài ra, nguồn cung trên thị trường ngoại hối tương đối thuận lợi trong quý III đã tạo điều kiện để NHNN mua vào khoảng 4,7 tỷ USD, tương đương khoảng 110.000 tỷ đồng bổ sung cho thị trường.

Bên cạnh đó, tình hình chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND nhìn chung vẫn được duy trì tích cực so với quý II, hỗ trợ cho thanh khoản toàn thị trường.

Tính đến ngày 24/9, chênh lệch huy động vốn - tín dụng đã mở rộng khoảng 40.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 6. Tăng trưởng huy động vốn VND được duy trì cao hơn so với hoạt động tín dụng, lần lượt là 9,67% và 9,05% tính từ đầu năm.

Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại duy trì ở mức cao và tương đối ổn định so với quý II, khi hoạt động giải ngân đầu tư công vẫn chậm và nhiều khả năng chưa thể đẩy mạnh trong những tháng cuối năm.

Ông Hiếu dự báo: “Chỉ số lạm phát hơi nhích lên trong tháng 10, nên có sự tác động qua lại, đưa đến sự tăng - giảm nhẹ lãi suất trên thị trường, nhưng xu hướng chung vẫn ổn định từ nay đến cuối năm. Lãi suất nếu tăng cũng chỉ mang yếu tố mùa vụ”.

Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận, thanh khoản thị trường sẽ có xu hướng kém dồi dào hơn dưới tác động chính từ yếu tố mùa vụ vào cuối năm.

Tình hình chênh lệch huy động vốn - tín dụng thường có xu hướng thu hẹp vào giai đoạn quý IV hàng năm, dưới tác động của việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tín dụng và tiền mặt có xu hướng dịch chuyển ra ngoài hệ thống các ngân hàng thương mại do yếu tố mùa vụ cuối năm.

Với việc tăng trưởng GDP được duy trì ở mức tích cực so với chỉ tiêu đề ra của Chính phủ là 6,6 - 6,8%, NHNN có thể sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm là khoảng 14%.

Trong khi đó, hoạt động huy động vốn dự kiến vẫn sôi động khi nhiều ngân hàng có nhu cầu cải thiện các chỉ số an toàn. Dự kiến, chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND vào thời điểm cuối năm sẽ thu hẹp khoảng 50.000 tỷ đồng so với mức cuối tháng 9.

“Với việc giải ngân đầu tư công gần như sẽ không thể hoàn thành kế hoạch trong năm nay, dự kiến lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại tiếp tục có xu hướng ổn định ở mức cao trong quý IV.

Tuy nhiên, với đặc thù chỉ tập trung tại một số ngân hàng lớn, một sự dịch chuyển ra khỏi hệ thống của lượng tiền này vẫn có thể có những tác động đáng kể lên thanh khoản chung của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh tình hình được dự báo bớt thuận lợi hơn về cuối năm”, lãnh đạo BIDV nói.

fig come here

2019 vốn là một năm có nhiều thử thách cho các nền kinh tế châu Á, tuy nhiên, Việt Nam vẫn thể hiện bộ mặt kinh tế lạc quan với mức tăng trưởng ấn tượng 7% trong 9 tháng đầu năm, đóng góp từ mức tăng của hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP thậm chí vượt mức kế hoạch 6,6 - 6,8% mà Chính phủ đề ra, trong khi lạm phát thường xuyên duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, nằm dưới mục tiêu bình quân 4% của Chính phủ- Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam

 
Theo: Đầu tư Chứng Khoán
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến