Dòng sự kiện:
Lãi suất tăng trên khắp các nền kinh tế khi lạm phát vẫn dai dẳng
24/06/2023 06:03:49
Mối lo ngại ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương về lạm phát vẫn chưa bị đánh bại, đang khóa họ vào 1 giai đoạn thắt chặt tiền tệ mới với các nền kinh tế vốn đã bị chao đảo bởi 1 hoặc nhiều đợt tăng lãi suất.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) gây sốc khi tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 22/6. Ảnh: NYTimes

Các ngân hàng trung ương đang tăng tốc

Mùa hè chính thức bắt đầu ở bán cầu bắc trong tuần này, trùng với một báo cáo của Vương quốc Anh cho thấy lạm phát của quốc gia này tỏ ra đặc biệt cứng đầu và tỷ lệ đang ở mức đáng báo động; cùng với cảnh báo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell rằng, có thể cần phải thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Trong vòng vài giờ sau thông điệp đó từ lãnh đạo cao nhất của FED, cả Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Na Uy đều tăng tốc thắt chặt tiền tệ với các động thái tăng lãi suất 0,5 điểm vào ngày 22/6, đồng thời để ngỏ khả năng sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa trong những tháng tới. Cùng thời điểm, Thụy Sỹ cũng sẵn sàng tăng lãi suất chuẩn lên một phần tư điểm, ngay cả khi lạm phát ở quốc gia này đang ở mức gần 2%.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Dự trữ Úc đều đã tăng lãi suất lên một phần tư điểm trong những tuần gần đây.

Kết quả tổng thể là một tháng bắt đầu với việc các nhà đầu tư ‘thở phào’ khi FED tạm dừng tăng lãi suất sau 12 lần tăng liên tiếp, và giờ thì gần như chắc chắn tình trạng như vậy đã kết thúc trong bối cảnh diễn biến mới về lạm phát đang trở nên phức tạp hơn. Kết quả nhìn thấy là triển vọng kinh tế “đang trên những đám mây” khi chi phí vay sẽ leo thang trong những tháng tới.

Điều đó có thấy được từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi lạm phát tăng vọt đến gần 40%, buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải cho phép bắt đầu thắt chặt tiền tệ vào ngày 22/6. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Vương quốc Anh, quốc gia đang phải vật lộn để kiềm chế mức tăng giá tiêu dùng hàng năm vẫn ở mức trên 8%.

“Lạm phát vẫn còn quá cao và chúng ta phải đối phó với nó” - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey nói với các phóng viên ở London, nơi sức nóng từ đợt tăng lãi suất gây sốc một ngày trước vẫn chưa hết dư âm. “Chúng tôi biết điều này thật khó khăn - nhiều người có tài sản thế chấp hoặc khoản vay sẽ lo lắng về những tác động đối với họ. Nhưng nếu chúng ta không tăng lãi suất ngay bây giờ, tình hình có thể tồi tệ hơn sau này” - ông Bailey nói thêm.

Triển vọng kinh tế đánh đổi bằng cách thắt chặt tiền tệ hơn nữa

Mặc dù quyết định trên của BoE phản ứng với cú sốc trong nước về giá tiêu dùng cao, nhưng nó cũng là đỉnh điểm của hơn một tuần đảo chiều trong chiến lược của các cơ quan tiền tệ toàn cầu, bắt đầu với việc FED tạm dừng tăng lãi suất vào thứ Tư tuần trước, đồng thời phát đi thông điệp về việc điều chỉnh tăng trở lại lại ngay sau đó tại cuộc họp vào tháng 7.

Áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế. Ảnh: Reuters

“Quá trình giảm lạm phát xuống 2% còn một chặng đường dài phía trước” - Chủ tịch FED Powell nói với Ủy ban Dịch vụ tài chính của Hạ viện Mỹ vào ngày thứ Tư ngày 21/6.

Trong khi đó, vào thứ Năm tuần trước (ngày 15/6), Ngân hàng Trung ương châu Âu, sau khi điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,25%, cũng dự kiến ​​​​sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Các nhà hoạch định chính sách của ECB thậm chí còn cho biết họ sẽ không thể dừng lại ở mức lãi suất như hiện tại, mặc dù còn gần 3 tháng nữa mới có quyết định tiếp theo.

Một tuần sau, Na Uy cũng tăng mạnh triển vọng về mức lãi suất cao nhất, có nghĩa là sẽ cần nhiều động thái hơn để kiềm chế lạm phát ở đó, một phần được thúc đẩy bởi đồng krone, đồng tiền hoạt động kém thứ hai trong năm nay trong nhóm 10 loại tiền tệ quan trọng.

“Theo thời gian, chúng ta đã thấy sự biến động và không chắc chắn trên thị trường tài chính quốc tế đã góp phần tạo ra phần bù rủi ro cho đồng tiền Na Uy” - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Na Uy Ida Wolden Bache cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ thu hẹp phần nào trong tương lai, nhưng chúng tôi dự đoán tỷ giá hối đoái sẽ yếu hơn so với những gì chúng tôi đã làm trong báo cáo trước đây” - ông Bache nói.

Và Thụy Sỹ, nơi lạm phát cơ bản hiện thậm chí còn thấp hơn mức trần 2% mà các quan chức đặt mục tiêu, không nắm lấy bất kỳ cơ hội nào. Các quan chức đã giảm bớt việc thắt chặt chỉ với 0,25 điểm - mức tăng nhỏ nhất cho đến nay - nhưng sau đó lại cảnh báo rằng họ chưa hoàn thành mục tiêu lạm phát, để ngỏ khả năng tăng tiếp.

Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ Thomas Jordan nói với truyền thông: “Chúng tôi vẫn chưa đi đến hồi kết - rất có thể sẽ cần phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa để đưa lạm phát trên cơ sở lâu dài xuống dưới 2%”.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, nhưng cảnh báo rằng các bước trong tương lai sẽ diễn ra dần dần, theo quan điểm của Bộ trưởng Tài chính và Ngân khố Mehmet Simsek.

Những thay đổi này có nghĩa là các ngân hàng trung ương sẽ cần phải hành động mạnh mẽ hơn, đẩy các nền kinh tế vào suy thoái sâu hơn để phá vỡ tư duy lạm phát mới. Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư dường như nghi ngờ giọng điệu diều hâu phát ra từ các ngân hàng trung ương. Thị trường chứng khoán có khả năng phục hồi ở cả hai bờ Đại Tây Dương và các nhà đầu tư đang định giá việc cắt giảm lãi suất ở Mỹ và Châu Âu vào năm tới. Đó có thể là một sai lầm, theo một số nhà kinh tế./.

Tác giả: Hoàng Lê/Theo Bloomberg

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến