Dòng sự kiện:
Lãi suất tiết kiệm vọt lên 8,2%/năm, ai mang 500 tỷ đồng gửi ngân hàng?
10/07/2021 06:18:26
Ngân hàng OCB dẫn đầu thị trường với lãi suất 8,2%/năm nhưng mức lãi suất này được áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Lãi suất này được dùng làm cơ sở để tính lãi cho vay.

10 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất

Khảo sát cho thấy mặt bằng lãi suất hiện có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng. Lãi suất huy động cao nhất được niêm yết hiện nay là 8,2%/năm, tuy nhiên phải đi kèm với một số điều kiện như chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng...

OCB đang là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất, áp dụng mức 8,2%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, 8,1%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Theo lý giải của OCB, mức lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng và được dựa theo biểu lãi suất cơ sở của ngân hàng. Trong đó, lãi suất cơ sở là lãi suất tham chiếu được ngân hàng này dùng để điều chỉnh lãi suất cho vay sau thời gian cố định lãi suất.

ACB có mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi từ 30 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Trong trường hợp số tiền nhỏ hơn mức quy định, khách hàng chỉ được hưởng lãi suất là 6,6%/năm tại kỳ hạn 13 tháng.

Nằm trong top 3 ngân hàng niêm yết lãi suất tiết kiệm cao nhất, Techcombank trả lãi lên đến 7,1%/năm với các khoản tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ, kỳ hạn 12 tháng, mức tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên và khách hàng cam kết không được tất toán trước hạn.

Lãi suất huy động cao nhất được niêm yết hiện nay là 8,2%/năm, tuy nhiên phải đi kèm với một số điều kiện như chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng...

Tại MSB, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12, 13 tháng với số tiền gửi từ 200 tỷ đồng được hưởng lãi suất 7%/năm.

Nằm trong top 5 ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 7 là LienVietPostBank với 6,99%/năm. Nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm theo hình thức lĩnh lãi cuối kỳ tại kỳ hạn 13 tháng (từ 300 tỷ đồng trở lên) hoặc với kỳ hạn 60 tháng.

HDBank hiện có mức lãi suất cao nhất lên tới 6,95%/năm; MB và VietABank cùng 6,9%/năm…, khách hàng gửi tiền cũng phải theo các tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất này.

Đứng cuối cùng trong top 10 ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm là Kienlongbank, với khung lãi suất dành cho các khoản tiết kiệm tại quầy dưới hình thức lĩnh lãi cuối kỳ dao động trong khoảng 3,1% - 6,75%/năm.

Điều này cho thấy, để có lãi suất xấp xỉ 7%/năm, người gửi tiền nếu không gửi số tiền lớn thì sẽ phải chọn gửi kỳ hạn dài, chủ yếu là từ 2 năm trở lên.

Các ngân hàng lớn tiếp tục có lãi suất thấp nhất trên thị trường. Giữa những ngân hàng này cũng có sự chênh lệch nhất định. Mới đây, Vietcombank đã tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sau khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp từ đầu năm đến nay cho ngang bằng với các ngân hàng khác.

Lãi suất cao nhất tại Agribank, VietinBank, BIDV hiện nay là 5,6%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó, tại Vietcombank, lãi suất cao nhất 5,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Dự báo lãi suất tiền gửi còn tăng tiếp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng hơn 3% trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 5,5%. Cùng kỳ năm ngoái, huy động vốn tăng tới 4,35% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 2,45%.

Diễn biến này cho thấy dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đã chậm lại thời gian qua. Điều đó làm gia tăng áp lực tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại một số ngân hàng thương mại.

Nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm %, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm", nhóm phân tích tại SSI đưa ra dự báo.

Trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Công ty chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 0,25 - 0,3 điểm % trong nửa cuối năm do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế; áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, áp lực lạm phát sẽ tăng cao trong nửa còn lại của năm. Cùng với áp lực lạm phát cao hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có ít dư địa để cắt giảm lãi suất điều hành.

Đơn vị này giữ quan điểm lãi suất điều hành sẽ giữ nguyên trong nửa còn lại của năm. Về tổng thể, NHNN sẽ tiếp tục thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên của NHNN sẽ là thực hiện các giải pháp hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song song với kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro nhằm đảm bảo sự ổn định thị trường tiền tệ cho năm nay và các năm sau.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến