Dòng sự kiện:
Lãi suất vốn vay dự án BOT: Rắc rối vì chỉ định thầu
20/07/2018 05:46:11
Theo nhiều chuyên gia, vì chỉ định thầu nên mức lãi suất vốn vay dự án BOT phải dựa vào đàm phán, thỏa thuận với nhà đầu tư.

Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) dường như muốn có cái gậy để chống, để đỡ run tay khi ký hợp đồng với nhà đầu tư. Để lãi suất vốn vay sát với lãi suất thực tế, cơ bản là phải giải quyết vấn đề chỉ định thầu.


Nguồn vốn cho dự án BOT thời gian qua được huy động chủ yếu từ các ngân hàng thương mại trong nước với lãi suất khá cao. Ảnh: Lê Tiên

Rắc rối xuất phát từ chỉ định thầu

Theo Thông tư số 75/2017/TT-BTC (TT 75), Bộ Tài chính hướng dẫn, với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được lựa chọn. Trường hợp chỉ định nhà đầu tư, mức lãi suất vốn vay được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận giữa CQNNCTQ và nhà đầu tư.

Mức lãi suất vốn vay được tham khảo để đàm phán, thỏa thuận phải đảm bảo không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng dự án PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.

Trần 1,5 lần này đã tăng so với Thông tư 55/2016/TT-BTC (TT 55). Tuy nhiên, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng mức lãi suất vốn vay theo TT 75 của Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với lãi vay thực tế, khiến nhà đầu tư chưa thể ký được hợp đồng vay vốn với nhà tài trợ tín dụng. Thậm chí, có nhà đầu tư phản ánh rằng quy định này gây trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc huy động vốn tín dụng để đầu tư các dự án BOT giao thông.

Thế nhưng, một chuyên gia về PPP cho biết, tất cả những vấn đề này phát sinh vì chỉ định thầu. Nếu đấu thầu rộng rãi thì TT 75 đã hướng dẫn là căn cứ theo hồ sơ dự thầu.

Thực tế các dự án BOT thời gian qua của Việt Nam đều do nhà đầu tư đề xuất và sau đó chỉ định nhà đầu tư. CQNNCTQ không tham khảo ý kiến từ các ngân hàng thương mại trong nước. Nhà đầu tư trong nước không có khả năng huy động nguồn vốn nước ngoài, chỉ huy động từ ngân hàng trong nước với mức lãi suất vốn vay khá cao (trên 10,5%/năm).

Có những hợp đồng BOT ký năm 2011, 2012, lãi suất vốn vay lên tới 20 - 21%/năm. Mức lãi suất vốn vay cao như trên khiến chi phí lãi vay rất lớn, làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thu phí hoặc mức thu phí cao, không phù hợp với tính chất dự án hạ tầng giao thông.

TT 55, sau đó là TT 75 ra đời đã hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính, cơ bản phải giải quyết vấn đề chỉ định thầu.

Dự kiến bỏ trần lãi suất vốn vay

Theo Bộ Tài chính, trên thế giới các quốc gia đều áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, CQNNCTQ sẽ điều chỉnh lại báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) để có nhiều hơn 1 nhà đầu tư tham gia.

Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, lãi suất vốn vay phải do thị trường quyết định. Dự án tốt, rủi ro phân bổ hợp lý, nhà đầu tư tốt, có uy tín… lãi suất sẽ thấp hơn. Đấu thầu rộng rãi sẽ giải quyết hết được những vấn đề lăn tăn từ trước đến nay về lãi suất, cũng như lợi nhuận, chi phí.

Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến đã có sửa đổi về quy định lãi suất vốn vay. Theo Dự thảo, CQNNCTQ có trách nhiệm tham khảo mức lãi suất TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án và lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại làm căn cứ tính toán lãi suất vốn vay trong phương án tài chính của dự án.

Theo Dự thảo, TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian hợp đồng dự án được xác định như sau: hợp đồng dự án PPP có thời gian thực hiện nhỏ hơn hoặc bằng 10 năm sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 10 năm; hợp đồng dự án PPP có thời gian thực hiện trên 10 năm và đến 15 năm sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 15 năm; hợp đồng dự án PPP có thời gian thực hiện trên 15 năm sử dụng lãi suất TPCP có kỳ hạn 20 năm.

Nguyên tắc xác định lãi suất vốn vay này chỉ áp dụng trong thời gian xây dựng. Mức lãi suất vốn vay trong thời gian kinh doanh, khai thác do CQNNCTQ quyết định trên cơ sở BCNCKT, hồ sơ mời thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, Dự thảo Thông tư sẽ thay thế TT 75 đã không còn quy định về mức trần lãi suất vốn vay. CQNNCTQ tự quyết định, chịu trách nhiệm.

Khi đấu thầu cạnh tranh, nhà đầu tư tự đi làm việc với ngân hàng để tính toán phương án tài chính, đề xuất mức lãi suất phù hợp. Các ngân hàng khi cân nhắc về lãi suất cho dự án PPP thường căn cứ vào các rủi ro được chuyển giao cho nhà đầu tư, uy tín của nhà đầu tư và CQNNCTQ, rủi ro của quốc gia của nhà đầu tư đứng vay…

Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh, về phía CQNNCTQ, công tác chuẩn bị một dự án PPP là rất quan trọng. Trước khi tổ chức đấu thầu, phải kiểm tra thị trường, tốt nhất là tham vấn các ngân hàng, để xem họ sẽ cho vay với lãi suất bao nhiêu. Với quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, CQNNCTQ biết được khả năng nhà đầu tư tư nhân sẽ chào thầu với mức chi phí như thế nào, đồng thời biết được dự án đưa ra có khả thi về tài chính hay không.

Theo Báo đấu thầu
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến