Dòng sự kiện:
Làm gọn và sạch hệ thống ngân hàng để 'thông' vốn cho nền kinh tế
03/05/2015 17:03:41
Vốn điều lệ từ nghìn tỷ bỗng nhiên trở thành số 0 tròn trĩnh, đang hoạt động thì bị sáp nhập và tên tuổi mất tích trên bản đồ thị trường tài chính… là hàng loạt xáo trộn mà thị trường ngân hàng (NH) liên tục chứng kiến trong những tháng đầu năm 2015.

Tin liên quan

Với mục tiêu làm lành mạnh hệ thống, hoạt động tín dụng hiệu quả, bơm vốn cho nền kinh tế, công cuộc tái cơ cấu NH đang vào giai đoạn nước rút. Liệu sau tái cơ cấu, Việt Nam có đạt được mục tiêu có một vài NH tầm cỡ khu vực? Chuyên mục trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu - người Việt Nam đầu tiên lập NH trên đất Mỹ.

Sớm cho phá sản ngân hàng để thị trường “tự xử”

PV: Thưa TS, dường như công cuộc tái cơ cấu đang đến thời kỳ nước rút, hàng loạt vụ sáp nhập, mua bán cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các nhà băng đang “vắt chân lên cổ” để chạy đua với thời hạn?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, năm 2015 là năm cuối cùng ngành NH thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Đây sẽ là một năm NHNN chịu áp lực rất lớn khi giải quyết rốt ráo những tồn đọng từ các năm trước, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Ngay từ đầu năm, NHNN đã có nhiều động thái ngày càng quyết liệt nhằm thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu. Sự quyết liệt này thể hiện ý chí quyết tâm cao độ của NHNN hoàn thành các mục tiêu Đảng, Nhà nước giao phó. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ chúng ta không thể kỳ vọng quá lớn vào thời điểm cuối năm nay Việt Nam sẽ có hệ thống NH hoàn hảo nhất, nợ xấu được giải quyết một cách dứt điểm… Vì để làm được điều này, cần có thêm thời gian khi nền kinh tế thực sự hồi phục mạnh, hệ thống NH hoạt động lành mạnh, phát triển vững chắc hơn. Giải quyết vội vã quá sẽ có những hậu quả và hệ lụy cũng như tác động phụ khó lường.

TS Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Vâng, một loạt biện pháp hợp nhất, sáp nhập, thậm chí cả phá sản cũng đã được mạnh dạn đề cập cho thấy quyết tâm đã thành hành động?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Có 4 cách: hợp nhất, sáp nhập NH yếu vào NH mạnh, mua lại 0 đồng và cho phá sản. Hiện nay đã thực hiện 3 cách, còn phá sản thì chưa. Đây là cách giải quyết để hệ thống NH gọn và sạch. Riêng cách phá sản, NHNN bảo là chưa thực hiện, vì nó sẽ tạo ra sự bất ổn trong hệ thống. Tôi đồng tình, nhưng theo tôi nên cho phá sản NH trong thời điểm sớm nhất, không nên để quá lâu nữa. Phải phá sản để cho thị trường tự xử lý, tự thanh lọc. Với tiến trình tái cơ cấu quyết liệt như giai đoạn hiện nay, đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi hệ thống NH đủ mạnh, không gây nên những phản ứng tiêu cực cho cả hệ thống, thì có thể cho phá sản.

PV: Tuy chưa cho phá sản, nhưng việc mua lại NH với giá 0 đồng cũng coi như NH đó không còn tồn tại, vì sau khi về NHNN, bước cuối cùng cũng sẽ phải sáp nhập vào một NH khác?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Về cách thức mua lại 0 đồng, theo tôi đây là biện pháp chẳng đặng đừng, NHNN mới phải thực hiện. Thực tế trong thời điểm này, nó là tối ưu, song đây là cách làm sẽ rất tốn kém chi phí. NHNN bảo là không dùng tiền Chính phủ là không đúng. Vì việc mua lại 0 đồng thì dễ, và nó là để tránh đổ vỡ hệ thống, và không gây ảnh hưởng gì tới người gửi tiền, nhưng “hậu” của thương vụ mua bán là công cuộc tái cơ cấu mới đáng bàn đến. Để quá trình tái cơ cấu tốt, bắt buộc phải dùng một lượng tiền rất lớn. Không một nhà đầu tư nào bỏ tiền để tái cơ cấu 1 nhà băng có giá 0 đồng với 1 đống hậu quả đằng sau nó cả. Vì khi tái cơ cấu, phải bơm một lượng tiền rất lớn để làm đầy cái phần vốn âm mà NH đã để lại, sau đó lại phải thêm tiền để làm cho vốn dương lên. Rồi còn là bộ máy, là chi phí quản lý mà NHNN phải bỏ ra để hoàn thiện. Tóm lại là sẽ mất “một đống của” vào cái mớ bùng nhùng đó.

Còn 2 phương án là hợp nhất và sáp nhập cũng là cách giải quyết mang nặng tính tình thế, để loại trừ những NH đã thực sự phá sản. Trong tương lai, không thể tiếp tục theo cách này, vì việc sáp nhập phải trên cơ sở tự nguyện, không thể là theo chỉ đạo của NHNN như bây giờ. Để làm được điều này, cơ quan quản lý phải nắm được thông tin, không để xảy ra những NH yếu kém đến mức âm vốn, mà chỉ cần dưới tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (car- 9%) là phải xử lý.

Ngân hàng lớn cũng phải sáp nhập

PV: Cùng với tái cơ cấu NHNN đang ráo riết xử lý nợ xấu để thông “cục máu đông” đang làm tắc nghẽn dòng vốn chảy ra nền kinh tế?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu và tái cơ cấu là hai phạm trù riêng biệt nhưng lại gắn kết với nhau. Hệ thống NH không thể thực hiện tái cơ cấu một cách toàn vẹn nếu không xử lý tốt nợ xấu. Ngược lại, xử lý nợ xấu sẽ không thể hiệu quả được nếu không thực hiện tái cơ cấu NH. Ví dụ, trong vấn đề xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu liên quan đến khoản cho vay sân sau, công ty con của các NH. Nếu chúng ta không cải tổ NH đó và loại bỏ những lãnh đạo liên quan đến các khoản nợ xấu kia, thì làm sao đòi hỏi xử lý hậu quả một cách nghiêm túc được? Vì vậy, nợ xấu và tái cơ cấu tuy là hai vấn đề khác nhau nhưng cùng liên quan như hai mặt của một đồng tiền, do đó phải làm song hành với nhau và tầm quan trọng như nhau.

PV: Kế hoạch của NHNN là đưa nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm nay. Nếu làm được, tất nhiên dòng vốn cho nền kinh tế được khơi thông. Vậy theo ông, liệu mục tiêu này có khả thi?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Về nợ xấu 3%, từ giờ đến cuối năm đưa về mức này là quá đơn giản, vì hiện nay, mức nợ xấu của toàn hệ thống cũng chỉ còn ngấp nghé 3%. Song, điều tôi muốn nói rằng 3% chỉ là con số cơ học. Giải quyết nợ xấu là phải cộng cả khoản nợ đang nằm ở VAMC, với 140 nghìn tỷ chưa giải quyết được, chứ không phải cứ đẩy hết sang VAMC rồi trừ khoản đó ra 3% là đủ. Đừng nặng về thành tích, hãy đi vào thực chất.

PV: Trở lại việc tái cơ cấu, mục tiêu của NHNN là giảm còn 20 NH trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chỉ cần 10 NH là đủ. Vậy theo ông, con số nào là hợp lý?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, Việt Nam nên có 15 NH là đủ. Trong hệ thống NH, nên có 2 loại. Một là ở bình diện quốc gia: tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều có các chi nhánh, điểm giao dịch. Ngoài ra, còn có loại NH cộng đồng, phục vụ địa phương mang tính đặc thù, hiểu được nhu cầu của địa phương, đáp ứng được nhu cầu ở địa phương của họ. NH quốc gia thì không thể đáp ứng được, không hiểu được địa phương, kiểu như nước xa không cứu được lửa gần. Tỷ lệ thì theo tôi 10 NH nhỏ và 5 NH quốc gia là đủ.

P.V: Còn mục tiêu đạt được một vài NH tầm cỡ khu vực?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Một vài NH tầm cỡ khu vực - đây là mục tiêu quan trọng và chúng ta có thể đạt được. Tuy nhiên, đạt được cũng không hề đơn giản, vì cứ theo quy mô mà các NH tầm cỡ khu vực đang có, thì các NH của chúng ta còn kém xa. Theo tôi được biết, quy mô các NH khu vực đạt cỡ 500 tỷ USD. Với quy mô đó, vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 10%, tức là khoảng 5 tỷ USD, tương đương hơn 100 nghìn tỷ đồng Việt Nam. Thế nhưng ở nước ta, NH lớn nhất hiện cũng chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 40 nghìn tỷ, tức chưa được ½. Vì vậy, mục tiêu này thực sự là khó khăn.

Để đạt được mục tiêu, chúng ta có thể thực hiện giải pháp mạnh tay hơn, đó là ngay cả NH lớn cũng nên sáp nhập với nhau. Ví dụ, VietinBank và BIDV là hai “ông lớn” trong ngành NH, nhưng đều có sự tương đồng nhau trong công việc, nên nếu 2 nhà băng này sáp nhập, sẽ rất thuận lợi. Hay như VCB, có thể “góp gạo thổi cơm chung” với Eximbank và ĐongABank, vì đều là NH mạnh về xuất nhập khẩu… Nếu những “người lớn” cùng nhau “về một nhà”, sẽ tạo thành “người khổng lồ” ngang tầm khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Theo CAND.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến