Dòng sự kiện:
Lạm phát đang được kiểm soát nhưng vẫn cao nhất 5 năm
29/09/2020 16:03:13
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước. 9 tháng, bình quân, CPI tăng 3,85%, vẫn được kiểm soát tốt nhưng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,01% so với tháng 12/2019, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước.

Có mức tăng ày chủ yếu là trong tháng qua, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường; giá điện sinh hoạt tăng do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng trong thời tiết nắng nóng; và còn do giá gạo trong nước tăng do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ năm 2011.

Với kết quả này, bình quân quý III năm 2020, CPI tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy có thể thấy, mặc dù cho tới thời điểm này, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, khi mà CPI bình quân 9 tháng vẫn tăng thấp hơn mục tiêu 4% đề ra, song vẫn là cao nhất trong 5 năm gần đây. 

Điều này cho thấy, trong 3 tháng còn lại của năm, Việt Nam vẫn phải tiếp tục nỗ lực kiểm soát giá cả thị trường, để giữ tốc độ tăng CPI cả năm dưới 4% như mục tiêu Chính phủ đề ra.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 và 9 tháng  từ năm 2016 đến năm 2020

Đơn vị tính:%


Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

CPI tháng 9 so với tháng trước

0,54

0,59

0,59

0,32

0,12

CPI tháng 9 so với tháng 12 năm trước

3,14

1,83

3,20

2,20

0,01

CPI tháng 9 so với cùng kỳ năm trước

3,34

3,40

3,98

1,98

2,98

CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ                 năm trước

2,07

3,79

3,57

2,50

3,85 

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường của tháng 9, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 6 nhóm hàng tăng giá.

Đó là đồ uống và thuốc lá - tăng 0,05%; may mặc, mũ nón và giầy dép - tăng 0,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng - tăng 0,62%; thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,01%; giáo dục - tăng 2,08%; hàng hóa và dịch vụ khác - tăng 0,02%. 

Ngoài ra, còn có 5 nhóm hàng giảm giá, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình - giảm 0,06%; giao thông - giảm 0,12%; bưu chính - viễn thông, giảm 0,02%; Văn hóa, giải trí và du lịch - giảm 0,2%.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với cùng kỳ năm 2019.

Bình quân 9 tháng năm 2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu tăng. 

Như vậy, lạm phát cơ bản so cùng kỳ giảm dần từ mức 3,25% trong tháng 01/2020 về mức 1,97% trong tháng 9/2020. Điều này phản ánh kết quả của điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước tiếp tục biến động theo giá vàng thế giới.

Trong tháng 8/2020, giá vàng tăng cao liên tục và đạt mức cao nhất vào ngày 07/8/2020 (2.089 USD/ounce). Tháng 9/2020, giá vàng thế giới giảm, do các nhà đầu tư bán ra chốt lời sau thời gian giá vàng tăng mạnh; nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn so với các dự đoán sau khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chỉ số đồng USD tăng lên so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới. 

Bình quân đến ngày 28/9/2020, giá vàng thế giới ở mức 1.929,8 USD/ounce, giảm 2,55% so với tháng trước. Bình quân tháng 9/2020, giá vàng trong nước giảm 0,33% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 5,46 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Trong khi đó, giá USD tháng 9/2020 giảm 0,05%. Giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 23.270 VND/USD.

Tác giả: Hà Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến