Người dân mua sắm tại siêu thị ở Vienna, Áo. (Ảnh: THX/TTXVN)
Lạm phát tại khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng nhẹ lên mức 2,0% trong tháng 6, đúng như dự báo của các nhà phân tích và phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo số liệu chính thức của cơ quan thống kê Eurostat công bố ngày 1/7, tỷ lệ lạm phát trong Eurozone đã tăng so với mức 1,9% ghi nhận hồi tháng 5, chủ yếu do đà giảm giá năng lượng chậm lại.
Chỉ số lạm phát cơ bản, loại trừ các yếu tố biến động mạnh như giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá - giữ ổn định ở mức 2,3% trong tháng 5, cũng đúng với dự báo của các chuyên gia mà Bloomberg khảo sát. Đây là chỉ số quan trọng mà ECB thường theo dõi để đánh giá áp lực giá cả thực sự trong nền kinh tế.
ECB dự báo lạm phát khu vực Eurozone sẽ duy trì đúng mục tiêu trong năm nay khi các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang tạo sức ép giảm giá.
Theo cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát trong tháng 6 chủ yếu do giá năng lượng chỉ giảm 2,7%, so với mức giảm 3,6% trong tháng 5. Trong khi đó, đà tăng giá thực phẩm và đồ uống giảm nhẹ xuống 3,1% trong tháng 6 so với mức 3,2% của tháng trước.
Lạm phát tại Eurozone đã giảm đáng kể so với mức đỉnh kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt.
Khi lạm phát đã được kiểm soát, ECB đã chuyển trọng tâm sang cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại. Kể từ tháng 6 năm ngoái, ECB đã hạ lãi suất 8 lần nhằm giảm chi phí vay. Cuộc họp tiếp theo để quyết định chính sách lãi suất dự kiến diễn ra vào ngày 24/7.
Theo ông Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Capital Economics, cuộc chiến chống lạm phát về cơ bản đã thành công, nhưng điều này đặt ECB vào thế khó khăn khi phải cân nhắc dừng chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Ông Kenningham dự đoán nhiều khả năng ECB sẽ giữ nguyên lãi suất tiền gửi chủ chốt ở mức 2,0% trong tháng 7 và có thể thực hiện một lần cắt giảm cuối cùng 25 điểm cơ bản vào tháng 9.
Số liệu công bố ngày 1/7 cũng cho thấy lạm phát tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã giảm xuống 2,0% trong tháng 6 từ mức 2,1% hồi tháng 5. Ngược lại, lạm phát tại Pháp lại tăng nhẹ lên 0,8% trong tháng 6, so với mức 0,6% của tháng trước.
Tuy vậy, ECB cảnh báo những “thách thức mới,” từ căng thẳng thương mại cho đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, có thể khiến lạm phát trở nên khó lường hơn./.
Tác giả: Lan Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy