Dòng sự kiện:
Lạm phát Mỹ tăng nóng, Bitcoin quay đầu giảm, vàng hưởng lợi
11/02/2022 14:15:47
Báo cáo về mức lạm phát kỷ lục của Mỹ triệt tiêu đà tăng giá của Bitcoin và chứng khoán. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng giá vàng sẽ hưởng lợi từ thông tin này.

Hôm 10/2, Bộ Lao động Mỹ cho biết giá tiêu dùng đã tăng 7,5% trong tháng 1 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/1982. Con số vượt dự báo tăng 7,2-7,3% của giới phân tích.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt vượt mốc 2% sau thông tin. Lãi suất ngắn hạn còn tăng cao hơn nữa. Giới quan sát tin rằng các nhà chức trách của Mỹ sẽ nhanh chóng hành động mạnh tay để ngăn chặn đà tăng của giá cả.

Nói với Zing, các chuyên gia quốc tế cho biết thông tin về lạm phát của Mỹ nhanh chóng tạo áp lực lên các tài sản rủi ro như chứng khoán, tiền mã hóa và hỗ trợ đà tăng của giá vàng.


Thay vì là "vàng kỹ thuật số" (công cụ chống lại rủi ro lạm phát tăng cao), tiền mã hóa được giao dịch giống một tài sản rủi ro hơn. Ảnh: Reuters.

Lạm phát tăng nóng

"Lạm phát tiếp tục tăng cao trong tháng 1. Thị trường lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết liệt hơn trong việc thắt chặt chính sách", chiến lược gia Barry Gilbert thuộc LPL Financial bình luận.
 
Theo vị chuyên gia, mối lo ngại sẽ chưa thể kết thúc chừng nào các con số chỉ ra lạm phát đã được kiểm soát.

Trong khi đó, giá vàng trên sàn New York tăng vượt ngưỡng 1.840 USD/đồng hôm 10/2 rồi quay đầu giảm. Giá vàng tăng lên sau báo cáo lạm phát của Mỹ.

"Giới quan sát cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ đẩy mạnh thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) giải thích với Zing.

"Lạm phát có thể giáng đòn vào các danh mục đầu tư khác. Điều đó sẽ khiến dòng vốn chảy vào vàng - tài sản được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát gia tăng", ông nhận định.

Theo vị chuyên gia, giá vàng có thể dao động trong khoảng 1.800-1.855 USD/ounce.

Còn Bitcoin - tài sản từng được kỳ vọng trở thành "vàng kỹ thuật số" - lại tuột dốc sau thông tin về lạm phát của Mỹ tăng nóng.

"Trên thực tế, môi trường tốt nhất đối với Bitcoin vẫn là khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư quay trở lại. Chúng ta chỉ có thể chứng kiến điều này sau một vài lần nâng lãi suất của FED", ông Moya giải thích.

Lạm phát của Mỹ tăng vọt trong những tháng qua bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhân công, các gói kích thích kinh tế lớn từ liên bang Mỹ, lãi suất thấp kỷ lục và chi tiêu phục hồi mạnh mẽ. Theo giới quan sát, có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ sớm giảm xuống đáng kể.

Bitcoin giảm cùng chứng khoán

Việc giá cả leo thang khiến người tiêu dùng Mỹ gặp khó trong việc chi trả tiền đồ ăn, khí đốt, thuê nhà, chăm sóc trẻ em và những nhu cầu thiết yếu khác. Điều này tạo áp lực lớn lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và FED.

Cách đây 2 tuần, Chủ tịch FED Jerome Powell đã báo hiệu ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng tăng lãi suất nhiều lần trong năm nay.

"FED cần lấy lại uy tín trong cuộc chiến chống lạm phát", cố vấn kinh tế trưởng Mohammed El-Erian của Allianz nhận xét. Theo ông, FED đã hành động quá chậm để ngăn chặn vấn đề này.

Nỗi lo ngại về việc FED mạnh tay nâng lãi suất đã khiến thị trường tiền mã hóa đỏ lửa, đảo ngược xu hướng tăng gần đây.

Tính đến 13h30 ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giảm 1,22% so với 24 giờ trước đó xuống còn 43.300 USD/đồng, theo dữ liệu của CoinMarketCap.


Thông tin về lạm phát của Mỹ đã triệt tiêu đà tăng giá của Bitcoin. Ảnh: CoinMarketCap.

Trong khi đó, Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - giảm 3,34% xuống hơn 3.000 USD/đồng. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 1,96% so với một ngày trước đó còn 1.970 tỷ USD, mất mốc 2.000 tỷ USD.

"FED đã mắc sai lầm về lạm phát. Việc cơ quan này vội vã nâng lãi suất để ngăn giá cả tăng cao có thể khiến các tài sản rủi ro chịu áp lực lớn. Những loại tài sản này chứng kiến mức tăng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch", ông Moya giải thích.

"Thay vì là 'vàng kỹ thuật số', tiền mã hóa được giao dịch giống một tài sản rủi ro hơn. Do đó, Bitcoin và những loại tiền mã hóa khác bị đè nặng bởi thông tin về lạm phát của Mỹ", vị chuyên gia nói thêm.

Theo ông, cuộc chiến chống lạm phát của FED sẽ triệt tiêu đà tăng giá của các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ và tiền mã hóa. Điều này có thể không sớm kết thúc.

Cuối phiên giao dịch hôm 10/2, chỉ số NASDAQ sụt giảm 2,1% còn 14.185,64 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 83,1 điểm, tương đương 1,8%, còn 4.504,08 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones mất 526,47 điểm, tương đương 1,47%, còn 35.241,59 điểm.

 Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : mỹ , bitcoin , giá vàng
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến