Dòng sự kiện:
Lạm phát ở Mỹ lại tăng lên mốc kỷ lục mới trong hơn 40 năm
14/07/2022 05:47:16
Giá khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng cao đã đẩy lạm phát của Mỹ lên mức đỉnh mới trong hơn bốn thập kỷ vào tháng 6 vừa qua.


Bảng điện tử giá xăng ở Philadelphia ngày 12/7/2022. Ảnh: AP 

Theo hãng tin AP, giá khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà tăng cao đã đẩy lạm phát của Mỹ lên mức đỉnh mới trong bốn thập kỷ vào tháng 6, gây thêm áp lực cho các hộ gia đình và có khả năng sẽ dẫn đến đợt tăng lãi suất lớn khác của Cục Dự trữ Liên bang, kéo theo là chi phí vay nợ tăng cao hơn.

Số liệu của chính phủ Mỹ ngày 13/7 cho biết, giá tiêu dùng đã tăng 9,1% so với một năm trước. Đây là mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ năm 1981 và tiếp tục tăng so với mức tăng kỷ lục trước đó là 8,6% vào tháng 5/2022. Tính trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng đã tăng 1,3% từ tháng 5 đến tháng 6, một mức tăng đáng kể khác, sau khi chỉ số này đã tăng 1% từ tháng 4 đến tháng 5 năm nay.

Giá cả liên tục tăng cho thấy tác động “đau đớn” mà lạm phát đã gây ra cho nhiều gia đình, đặc biệt là chi phí cho nhu cầu thiết yếu - tăng nhanh hơn nhiều so với thu nhập trung bình. Nhóm người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha có thu nhập thấp hơn đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, vì tỷ lệ thu nhập không cân đối của họ dành cho những chi tiêu thiết yếu như nhà ở, phương tiện đi lại và thực phẩm.

Một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng lạm phát có thể đạt hoặc gần đạt mức đỉnh trong ngắn hạn. Ví dụ, giá xăng đã giảm từ mức 5 USD một gallon vào giữa tháng 6 xuống mức trung bình 4,66 USD trên toàn quốc vào ngày 12/7 – dù vẫn cao hơn nhiều so với một năm trước nhưng mức giảm có thể giúp làm chậm lạm phát trong tháng 7 và có thể tháng 8.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển và giá hàng hóa đã bắt đầu giảm. Việc tăng lương đã chậm lại. Các cuộc khảo sát cho thấy rằng suy đoán của người Mỹ về lạm phát trong thời gian dài đã giảm bớt - một xu hướng thường chỉ ra mức tăng giá vừa phải hơn theo thời gian.

Xe ô tô cũ bày bán bên đường ở Philadelphia, ngày 12/7/2022. Ảnh: AP 

Tuy nhiên, hiện tại lạm phát không ngừng tăng vọt đã khiến niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế giảm mạnh, khiến tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden giảm xuống và gây ra mối đe dọa chính trị lớn đối với đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 năm nay. Trong một cuộc thăm dò vào tháng 6 của AP-NORC, 40% người trưởng thành được hỏi cho biết, họ nghĩ rằng giải quyết lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trong năm nay. Vào tháng 12 năm ngoái, chỉ có 14% nêu ý kiến như vậy.

Trước hậu quả của cuộc suy thoái do đại dịch trong năm 2020, khi người Mỹ tập trung chi tiêu vào các mặt hàng gia đình, như đồ nội thất, thiết bị gia dụng và thiết bị tập thể dục, chuỗi cung ứng trở nên quá tải và giá hàng hóa tăng vọt. Nhưng khi chi tiêu của người tiêu dùng dần chuyển hướng khỏi hàng hóa và sang các dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống tại nhà hàng, xem phim, hòa nhạc và sự kiện thể thao, một số mức tăng giá cao nhất đã xảy ra đối với ngành dịch vụ.

Đặc biệt, nhà ở nằm trong nhóm có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nền kinh tế, gây ra khó khăn cho nhiều người. Tình trạng thiếu nhà để bán đã khiến giá nhà tăng chóng mặt cũng như lãi suất thế chấp tăng theo. 

Giá nhà bán quá cao khiến nhiều người tìm thuê cũng đẩy giá thuê nhà tăng cao. Giá nhà trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã tăng 14,8% trong tháng 5 so với một năm trước đó lên 407.600 USD/căn. Đó là mức cao nhất mọi thời đại theo dữ liệu tính đến năm 1999 của Hiệp hội môi giới quốc gia.

Tình trạng lạm phát cao kéo dài đã khiến Chủ tịch FED Jerome Powell và các quan chức Fed khác lo lắng. FED đã đưa ra một loạt các đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ cuối những năm 1980 trong nỗ lực làm chậm đà tăng giá cả. Ngân hàng trung ương của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất ngắn hạn quan trọng vào cuối tháng này thêm 3/4 điểm, như đã làm vào tháng trước, và với khả năng còn tăng lãi suất lớn hơn nữa.

Ông Powell đã nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương muốn thấy “bằng chứng thuyết phục” rằng lạm phát đang chậm lại trước khi giảm lãi suất. Bằng chứng đó sẽ cần phải là “một loạt các chỉ số lạm phát hàng tháng giảm” – ông Powell nói tại một cuộc họp báo vào tháng 6.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng nỗ lực của FED trong việc dập tắt lạm phát sẽ khiến FED thắt chặt tín dụng quá mạnh ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Chi phí đi vay cao hơn nhiều có thể gây ra suy thoái kinh tế, được cảnh báo có khả năng xảy ra vào năm tới.

Người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu giảm chi tiêu, doanh số bán nhà giảm do lãi suất thế chấp tăng và sản lượng nhà máy sụt giảm trong tháng 5. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ đều đặn cho thấy một nền kinh tế vẫn đang mở rộng, không có dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Tác giả: Thu Hằng (Theo AP)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến