Dòng sự kiện:
Lạm phát ổn định và tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục tăng lãi suất?
21/12/2022 11:35:28
Tỷ giá USD/VND giảm áp lực rất nhiều và đây là thời điểm NHNN có tín hiệu chuyển chính sách tiền tệ từ trọng tâm ổn định tỷ giá, lạm phát sang hỗ trợ thanh khoản và góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Những tín hiệu tích cực

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 16/12 đã lần đầu tiên trong 3 tháng rưỡi niêm yết trở lại giá chào mua USD, ở mức 23.450 đồng/USD, sau khi ngừng công bố giá mua tại hội sở NHNN từ cuối tháng 8/2022.

Đây là một tín hiệu cho thấy, áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm đi. NHNN không còn phải bán USD ra để ổn định tỷ giá trong thời gian trước đó, mà thay vào đó có thể sẽ mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Trên thực tế, tỷ giá USD/VND đã giảm rất nhanh. Đồng bạc xanh của Mỹ giảm gần 4,1% so với mức đỉnh ghi nhận hôm 25/10, từ mức 24.888 đồng/USD (Vietcombank) xuống còn 23.880 đồng/USD hôm 20/12.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng về quanh ngưỡng 24.080-24.180 đồng/USD (từ mức đỉnh 25.500 đồng/USD hôm 1/11.


Diễn biến tỷ giá USD/VND tại Vietcombank từ đầu tháng 11 tới 20/12. (Biểu đồ: M. Hà)

Động thái của NHNN cũng diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam ở mức thấp, tới tháng 11 chỉ tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước, một con số chấp nhận được trong bối cảnh ở châu Âu vẫn ở mức 10%, còn ở Mỹ là 7,1%.

Theo Chứng khoán ACBS, những áp lực giảm giá của đồng tiền Việt Nam trong năm 2023 sẽ thấp do đồng USD suy yếu trong thời gian gần đây. Xu hướng này có thể tiếp tục. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần nhất hôm 14/12 đã giảm tốc độ tăng lãi suất và dự kiến sẽ giảm tốc tiếp trong nửa đầu năm 2023. Sau đó, Fed có thể dừng tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Trong nước, lượng kiều hối có tín hiệu tăng so với năm 2021. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 11 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn FDI tăng 15,1% so với cùng kỳ lên 19,7 tỷ USD.

Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây phát đi tín hiệu giảm bớt thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể đảo chiều từ nửa cuối năm 2023 nhưng vẫn có một số thành viên có quan điểm cứng rắn.

Sự bất ổn và thậm chí bất định trên thị trường tài chính thế giới có thể ảnh hưởng tới những quyết định chính sách trong nước.


Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022. (Nguồn: ACBS)

Chờ tín hiệu chính sách tiền tệ của NHNN

Theo ACBS, bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, dự kiến những tác động gián tiếp của tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát và lạm phát năm 2023 có thể đạt mức cao nhất 4,5%.

Đây là yếu tố khiến ACBS kỳ vọng NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm phần trăm vào cuối năm 2022 và tăng thêm khoảng 100 điểm trong nửa đầu năm 2023.

Hôm 23/9 và 25/10, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, nâng lãi suất tái chiết khấu được tăng từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 6,0%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng được nâng từ 4,0%/năm lên 6,0%/năm.

Giả sử NHNN tăng thêm 150 điểm phần trăm, lãi suất vào giữa năm 2023 sẽ là 7,5%/năm cho cả lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng. Việc bán ngoại tệ và tăng lãi suất điều hành thường khiến dòng tiền thị trường bị vắt khô. Các doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận vốn và tăng trưởng kinh tế bị kéo chậm lại.


Lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương một số nước. (Biểu đồ: Mạnh Hà)

Mặc dù Mỹ và nhiều nước châu Âu có xu hướng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nhưng ở châu Á có một số dự báo cho rằng nhiều nước sắp chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo Nikkei, Hàn Quốc có thể là nước đầu tiên và theo sau đó là Thái Lan và Ấn Độ trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế giảm tốc...

Theo đó, trên thế giới, câu chuyện lạm phát sắp đến hồi kết và sắp chuyển sang câu chuyện về suy thoái. Tại châu Á, ngân hàng trung ương nhiều nước không mạnh tay trong cuộc đua tăng lãi suất vì lạm phát không quá cao.

Dù Fed đã tăng lãi suất 7 lần, tổng cộng 425 điểm, nhưng tại Việt Nam, NHNN mới tăng 200 điểm.

Việc NHNN có tăng lãi suất lên nữa hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trên thị trường mở, việc bơm tiền có thể được tính toán kỹ hơn. Dự báo NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá.

Tác giả: Mạnh Hà

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến