Dòng sự kiện:
Lạm phát trước ẩn số khó đoán: Giá dầu
15/10/2018 13:05:11
Ẩn số khó đoán nhất với lạm phát hiện nay có lẽ là giá xăng dầu khi giá dầu thô thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng cao.

Lạm phát đã chạm mức cao nhất 5 năm

Tháng 9, CPI tăng 0,59% so với tháng trước, mức tăng cao thứ 2 trong năm 2018 sau tháng 6 (tăng 0,61%). Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu.

Nếu trong tháng 6/2018, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì tháng 9 cũng ghi nhận 10/11 nhóm mặt hàng chính trong cấu thành CPI tăng giá. Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục (tăng 5,07%) do có 49 tỉnh thành tăng học phí theo Nghị định 86/2015. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng 0,82% do ảnh hưởng của 2 lần tăng giá xăng dầu. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – cũng tăng 0,44%...


Với diễn biến giá cả tháng 9 như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng 3,2% ghi nhận mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Còn so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,98%. Đáng chú ý CPI bình quân 9 tháng năm 2018 so với bình quân cùng kỳ năm 2017 cũng tiếp tục tăng tốc lên mức 3,57% từ mức 3,52% của 8 tháng. Điều đó đang đặt ra câu hỏi liệu mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% có đạt được nhất là khi sức ép lạm phát đang rất lớn, đến từ cả bên ngoài lẫn nội tại của nền kinh tế.

Về giá lương thực và thực phẩm, việc Việt Nam ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Hàn Quốc, Philippines… được xem là một tin vui cho sản xuất nông nghiệp. Được mùa nhưng không mất giá đã giúp tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng đạt 2,78% (trong khi cùng kỳ 2017 chỉ tăng 1,96%). Tuy nhiên, lạm phát lương thực cũng tăng theo với CPI lương thực tăng 1,42% (cùng kỳ chỉ tăng 0,84%). Hiện tại xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chậm lại, kéo theo giá gạo trong nước xuống thấp so với vùng đỉnh tháng 5. Tuy nhiên nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng trong quý 4 bởi nhu cầu đối với gạo xuất khẩu vẫn lớn. Bên cạnh đó thiên tai bão lũ bất thường cũng có thể ảnh hưởng tới giá lương thực thực phẩm.

Từ diễn biến lạm phát tháng 9 và 9 tháng vừa qua, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, trong các tác nhân có thể làm lạm phát tăng cao trong quý 4 này thì lương thực và năng lượng (xăng, dầu, gas) sẽ là những nhóm mặt hàng cần phải quan tâm nhiều nhất. Việc quản lý giá gạo có phần đơn giản hơn do chúng ta có thể chủ động tích trữ và kiểm soát cung cầu. Nhưng với giá xăng dầu, do phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài khó kiểm soát, nên cần phải sử dụng quỹ bình ổn kết hợp với tính toán thời điểm tăng giá để tránh gây áp lực dồn dập cho mùa cao điểm cuối năm.

Và ẩn số giá dầu

Quả vậy, ẩn số khó đoán nhất với lạm phát hiện nay có lẽ là giá xăng dầu khi giá dầu thô thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng cao. Theo thống kê, giá dầu thô thế giới đã tăng khoảng 32% so với đầu năm. Còn nếu tính riêng từ khi lệnh cấm vận giai đoạn 1 của Mỹ với Iran có hiệu lực (ngày 7/8/2018), sản lượng dầu của Iran đã giảm 380 nghìn thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng sản xuất của Iran trước khi cấm vận. Cũng trong thời gian này, giá dầu thô thế giới tăng 12%. 

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng lên và quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục xấu đi thì rất có thể Iran sẽ tiến hành một nước cờ mạo hiểm là sẽ khống chế Eo biển Hormuz như họ đã từng đe dọa. “Eo biển này là nơi mà khoảng 90% lượng dầu của Trung đông được chuyển sang châu Á nên nếu tình huống này xảy ra thì diễn biến giá dầu thế giới sẽ rất phức tạp”, ông Lê Đăng Doanh nhận định.

Tuy nhiên, cùng lúc cũng có những thông tin khác cho thấy các nước lớn, đặc biệt là Mỹ sẽ hành động để đưa giá dầu xuống. Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 73 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 25/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “OPEC và các quốc gia OPEC, như thường lệ, đang lấy của những nước khác… Họ lợi dụng để bán dầu với giá cao. Điều này không tốt chút nào. Chúng tôi muốn họ ngừng tăng giá, chúng tôi muốn họ bắt đầu giảm giá. Chúng tôi sẽ không chịu đựng điều đó - những mức giá cao khủng khiếp - lâu hơn nữa”.

Những diễn biến như trên cho thấy, việc dự đoán giá dầu trong những tháng cuối năm cũng như trong năm tới là không hề dễ dàng. Bên ngoài đã vậy, giá xăng dầu trong nước chắc chắn sẽ tăng khi mà thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ được tăng kịch trần kể từ 1/1/2019. Do xăng dầu vừa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vừa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất nên giá xăng dầu tăng sẽ tạo áp lực lớn đến lạm phát.

Tuy nhiên, theo báo cáo lạm phát Việt Nam tháng 9/2018 của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc SSI, điểm tích cực trong ổn định lạm phát trong năm 2018 là CSTT đang được thực thi tương đối hiệu quả. Trong đó, một khả năng cao là tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 sẽ thấp hơn so với mục tiêu 17%, qua đó giúp giảm bớt áp lực lạm phát cầu kéo. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá trong năm 2018 vẫn còn khá lớn và cần các biện pháp kiểm soát tốt.

“Thách thức kiềm chế lạm phát trong năm 2018 đang lớn hơn hẳn các năm trước. Tuy vậy nếu chúng ta thành công, việc kiểm soát lạm phát cho năm tiếp theo sẽ trở nên thuận lợi. Bởi thứ nhất, mặt bằng giá hàng hóa đã ở mức cao. Thứ hai, quan trọng hơn, là những bài học thực tế trong năm 2018 sẽ rất hữu ích để việc điều hành chính sách trong tương lai được tự tin và nhất quán”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đánh giá, lạm phát năm 2018 có thể kiểm soát dưới 4%, nếu không có cú sốc lớn về giá năng lượng trong quý IV. Còn trong trường hợp giá xăng dầu nếu tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá cuối năm và lan sang cả năm sau. Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trường VEPR, quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 1/1/2019, theo Viện trưởng VEPR, có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến