Dòng sự kiện:
Làm rõ năng lực tài chính nhà đầu tư dự án lọc dầu ‘đắp chiếu’ 11 năm
07/07/2018 06:34:58
Có 2 nhà đầu tư trong nước và 1 nhà đầu tư Singapore tham gia vốn trong dự án nâng cấp lọc dầu Cát Lái trong đó CTCP Âu Lạc đang được yêu cầu giải trình cụ thể về nguồn vốn vì không còn đủ nguồn để góp tham gia.

Làm rõ khả năng tài chính các nhà đầu tư

Theo báo cáo thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng đã đồng ý Saigon Petro triển khai dự án nâng cấp lọc dầu Cát Lái  từ năm 2007. Kể từ đó đến nay đã 11 năm, doanh nghiệp này vẫn chưa triển khai thực hiện dự án. Tuy vậy, vào cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại nhận được công văn của UBND TP.HCM xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.

Liên quan đến khả năng góp vốn của các nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận Saigon Petro có đủ khả năng về vốn song vẫn đề nghị làm rõ thêm về khả năng tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là CTCP Âu Lạc.

Một góc nhà máy lọc dầu Cát Lái

Bộ Kế hoạch Đầu tư dẫn báo cáo tài chính năm 2016 của CTCP Âu Lạc, các số liệu tài chính tại thời điểm kết thúc năm 2016 nguồn vốn là 2.122 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 790 tỷ đồng, nợ dài hạn 657 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 1.452 tỷ đồng.

"Theo số liệu tài chính này vốn chủ sở hữu đã nằm hết trong tài sản dài hạn (vốn chủ sở hữu + nợ dài hạn - tài sản dài hạn = (-5) tỷ), không còn nguồn để góp (84,9 tỷ đồng) tham gia dự án", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đáng giá trường hợp đối tác ngoại là Petro Simmit Pte Ltd duy trì hoạt động ổn định sẽ đảm bảo đủ vốn góp (109,6 tỷ đồng) tham gia đầu tư dự án, tương đương 31% vốn.

Theo hồ sơ, tổng vốn đầu tư dự án này là 1.179,2 tỷ đồng, tương đương 52,31 triệu USD. Về nguồn vốn vay, trong hồ sơ dự án không có các văn bản thỏa thuận giữa các nhà đầu tư với các tổ chức tài chính do đó, để đảm bảo tính khả thi dự án, Bộ đề nghị UBND TP.HCM yêu cầu các nhà đầu tư giải trình về khả năng huy động nguồn vốn vay thực hiện dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ trong hồ sơ dự án, các nhà đầu tư dẫn số liệu để khẳng định nhu cầu xăng dầu và khí hóa lỏng trong nước thời gian tới còn cần rất lớn, kể cả sau khi đã bổ sung nguồn cung từ dự án của Nhà máy Lọc dầu Cát Lái. Nhưng hồ sơ dự án không có số liệu chi tiết về các yếu tố đầu vào, đầu ra, phân tích các trường hợp rủi ro.

Trong khi đó, hiệu quả đầu tư của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như công nghệ sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp, giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, bộ yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các số liệu tính toán này.

Cẩn trọng công nghệ Trung Quốc

Góp ý cho dự án này, Bộ Công an đề nghị chủ đầu tư xem lại phần công nghệ nhà máy có xuất xứ Trung Quốc; các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý việc dự án dự kiến sử dụng công nghệ NUT (Naptha Upgrading Technology) của Viện Nghiên cứu chế biến dầu khí Trung Quốc (RIPP) để nâng chỉ số octane phân đoạn naptha.

Dự án cần sử dụng máy móc, thiết bị xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu tiên tiến trên thế giới, bảo đảm sự đồng bộ của dây chuyền công nghệ, có phương án dự trù cụ thể về vật tư tiêu hao, linh kiện, phụ tùng thay thế dự phòng để bảo đảm hoạt động ổn định của nhà máy sau nâng cấp. Nếu có nội dung chuyển giao công nghệ thì cần thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến