Ảnh: Shutterstock
Cái kết không có hậu
Đứng sau dự án Kenton Node “đắp chiếu” hơn 10 năm nay là Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Trước khi được biết đến với siêu dự án Kenton Node, Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên là một doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành xây dựng hạ tầng.
Cụ thể, ban đầu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, chủ yếu là bê tông, đá xây dựng và đá dăm. Từ năm 2001, Tài Nguyên tái cấu trúc mô hình sản xuất - kinh doanh và tập trung nguồn tài lực chính vào đầu tư và kinh doanh bất động sản. Hiện tại, Công ty tập trung chủ yếu vào đầu tư và xây dựng khu phức hợp căn hộ và văn phòng cho thuê.
Dự án Kenton Node được khởi công từ năm 2009, nhưng đến năm 2011 thì toàn bộ công trình đã ngừng thi công do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bất động sản 2009 - 2013. Đến năm 2017, Kenton Residences được tái khởi động, đổi tên thành Kenton Node
Hotel Complex và được điều chỉnh lại quy hoạch. Tuy nhiên, hiện tại dự án này vẫn đang “im hơi lặng tiếng” và không biết ngày nào mới có thể trở lại, còn mảng kinh doanh chính của Tài Nguyên cũng bị bỏ bê.
Cùng chung số phận với Tài Nguyên phải nhắc tới trường hợp của chủ dự án căn hộ Habico Tower dát vàng tại Hà Nội là Công ty cổ phần Hải Bình (Habico) - một đơn vị kinh doanh thiết bị xăng dầu nhảy qua làm bất động sản.
Đưa ra mức giá bán lên tới 85 tỷ đồng/căn vào thời điểm ra mắt, nhưng nhiều vướng mắc trong triển khai đã khiến dự án không hoàn thành như tham vọng của chủ đầu tư. Sau nhiều năm, Habico Tower vẫn chỉ là một khối bê tông 9 tầng bỏ hoang, công trường không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp cũng không còn. Chủ đầu tư bị nhà thầu, ngân hàng kiện cáo liên quan đến hàng nghìn tỷ đồng đang kẹt trong dự án.
Tương tự, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng “chết dí” với bất động sản phải kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Landmark Holdings. Tiền thân của đơn vị này là Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long, thành lập ngày 24/5/2012 với số vốn điều lệ khởi điểm là 30 tỷ đồng.
Từ năm 2012 tới cuối 2016, dù trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng doanh thu của Công ty chủ yếu đến từ kinh doanh xăng dầu và mua bán các sản phẩm hóa chất, nguyên liệu sorbitol… Đến năm 2017, doanh nghiệp này mới thực sự lấn sân sang lĩnh vực bất động sản bằng việc thay tên đổi họ thành Landmark Holdings, tăng vốn điều lệ và trở thành nhà phát triển Dự án Thành An Tower, 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội), sau đổi tên thành Manhattan Tower.
Thời điểm ra mắt, công ty này đưa ra thông điệp đầy tham vọng khi cho biết, không chỉ tìm ra cơ hội kinh doanh tốt cho mình, mà còn tác động lớn đến bộ mặt quy hoạch thành phố, gia tăng tiện ích cho người dân cũng như phát huy được nguồn lực xã hội.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, Landmark Holdings bất ngờ công bố rút khỏi dự án này, đồng thời tái cơ cấu rút khỏi mảng bất động sản khi còn đang nắm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền thu được từ khách hàng mua nhà tại dự án.
Tới 27/4/2020, cổ phiếu LMH của Landmark Holdings đã bị hủy niêm yết bắt buộc do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty. Từ đây, số phận khách hàng mua nhà tại dự án Manhattan Tower không biết đi đâu về đâu, trong khi dự án sau khi triển khai tới tầng 21 thì dừng hẳn và đang "trơ gan cùng tuế nguyệt" ngay mặt đường Lê Văn Lương.
Lấn sân sang bất động sản gặp sa lầy cũng phải kể tới Công ty Thuận Thảo của nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh. Cú chuyển hướng sang bất động sản đã khiến doanh nghiệp này rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ triền miên suốt nhiều năm qua.
Thuận Thảo từng nổi tiếng trong lĩnh vực vận tải tại thị trường phía Nam. Năm 1997, sau hơn chục năm làm tổng đại lý chuyên phân phối hàng hóa cho 20 công ty trong nước và công ty liên doanh với nước ngoài tại tỉnh Phú Yên, doanh nghiệp tư nhân mang tên Vận tải và Thương mại Thuận Thảo đã được thành lập, bà Võ Thị Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.
Trong giai đoạn 2009 - 2013, Thuận Thảo đã nắm trong tay nhiều dự án bất động sản lớn nhất tại Phú Yên như khách sạn 5 sao Cendeluxe, Trung tâm giải trí và sinh thái, Trung tâm hội nghị và triển lãm Thuận Thảo Land, Resort & Spa Golden Beach, Nhà hát Sao Mai... với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hậu quả, Thuận Thảo đang phải gồng mình gánh khối tài sản bất động sản. Hồi giữa năm 2019, khách sạn Cendeluxe cùng Trung tâm hội nghị triển lãm Thuận Thảo đã được Công ty Việt Tín đấu giá với mốc khởi điểm 500 tỷ đồng nhưng chưa thành công.
Bất động sản - lĩnh vực không dễ
Dù có sự chững lại trong gần 2 năm qua, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền tảng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tương đối tốt. Trong đó, lạm phát duy trì ở mức thấp, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định... là những yếu tố hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản không phải dành cho tất cả các nhà đầu tư và đối với những doanh nghiệp ngoại đạo, nên hết sức thận trọng trong việc lựa chọn dự án để rót tiền.
Trên thực tế, thời gian vừa qua có khá nhiều doanh nghiệp tham gia ngoài ngành và cũng đang gặp khó khăn khi các dự án triển khai đang vướng mắc. Chẳng hạn như trường hợp của Dabaco khi doanh nghiệp này cũng khá chật vật khi chuyển sang đầu tư bất động sản.
Theo đó, từ năm 2015, Dabaco đã chuyển hướng sang đầu tư khá nhiều vào mảng bất động sản với thương hiệu Dabaco Land. Tuy nhiên, cũng chỉ sau vài năm ngắn ngủi, tới 2017, Dabaco lại quyết định chuyển nhượng lại thương hiệu Dabaco Land cho người khác. Mặc dù sở hữu quỹ đất khá lớn, nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các dự án đều được Dabaco hợp tác với một bên thứ ba để triển khai dự án.
Tương tự Dabaco, năm 2017, Thái Hưng, một doanh nghiệp nổi tiếng ngành thép tại Thái Nguyên cũng thông báo chính thức tham gia lĩnh vực bất động sản với dự án Crown Villas Thái Nguyên. Đây là đất cũ của Nhà máy thép Gia Sàng và được Thái Hưng đấu giá mua lại. Sau dự án này, tháng 12/2019, Thái Hưng chính thức trở thành nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Thanh Niên Xung Phong theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BT và để hoàn vốn đầu tư, nhà đầu tư được sử dụng đất của 21,9 ha thuộc khu dân cư số 10 phường Gia Sàng (chưa giải phòng mặt bằng) đề xuất dự án xây dựng khu đô thị.
Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, lãnh đạo của doanh nghiệp từng chia sẻ, dù là "người mới" trong lĩnh vực bất động sản, nhưng với tiềm lực sẵn có cùng việc bắt tay với những người khổng lồ, Thái Hưng tự tin có thể tạo ra những dự án khác biệt, được khách hàng đón nhận.
Tuy nhiên, ít ai biết được trước 2 dự án công bố nêu trên, Thái Hưng cũng từng chìm nổi với dự án Khu đô thị Thái Hưng (dự án Khu đô thị Việt Bắc) trên địa bàn 2 phường: Tân Lập, Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong 5 năm (2011 - 2016) với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, tuy vậy, tới năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi dự án và giao cho TP. Thái Nguyên quản lý, bởi chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Trong khi đó, một doanh nghiệp ngành thép khác cũng khá lận đận với bất động sản là Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE với dự án Khu Khu đô thị Việt Đức Legend City. Có quyết định chấp thuận đầu tư từ năm 2010, nhưng sau gần 8 năm, tới nay, dự án này vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.
Tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên từ 2011 - 2019, năm nào các cổ đông cũng chất vấn về việc triển khai đối với dự án này. Trả lời cổ đông, Ban điều hành Công ty dù đánh giá dự án rất khả thi, nhưng cho biết, năng lực tài chính của doanh nghiệp không đủ sức để triển khai dự án. Do đó, Công ty kêu gọi hợp tác đầu tư, nhưng bất thành.
Tại ĐHCĐ thường niên 2020 vừa diễn ra cách đây không lâu, Ban lãnh đạo của VG PIPE cho biết, tới thời điểm hiện tại, việc giải phóng mặt bằng dự án đã đạt 90% nhưng các thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan vẫn chưa triển khai xong để dự án được đi vào xây dựng và thực hiện. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vốn đã liên tục sụt giảm trong vài năm vừa qua lại tiếp tục gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Với những trường hợp trên, rõ ràng, không phải cứ có đất và có tiền là chuyển hướng thành công sang bất động sản, bởi thị trường không phải lúc nào cũng màu hồng. Chỉ cần chọn sai phân khúc, thậm chí thiết kế căn hộ quá rộng so với nhu cầu của khách hàng sở tại, dự án đã có thể thất bại triền miên.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy