Dòng sự kiện:
Lặng người trước những con số 'biết nói' trong đợt dịch thứ tư tại TP HCM
18/11/2021 17:13:16
Ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục Hưng được phát hiện vào cuối tháng 5 đã mở đầu cho làn sóng dịch lớn chưa từng có tại TP HCM.

451.113 ca Covid-19 trong 6 tháng

Đêm 26/5, TP HCM phát hiện chùm ca bệnh liên quan nhóm Truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp. Chỉ sau một ngày, số bệnh nhân liên quan đến chuỗi lây này đã gần chạm mốc 40 ca. Ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục Hưng cũng đã mở đầu cho làn sóng dịch lớn chưa từng có tại TP HCM.

Xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 được xem là giai đoạn căng thẳng nhất của TP HCM, với số ca bệnh ghi nhận trong ngày chủ yếu dao động trong khoảng 4.000 - 5.000 ca. Đỉnh điểm ngày 3/9, địa phương này ghi nhận đến 8.499 F0 chỉ trong vòng 24h.

Giai đoạn sau đó, tình hình dịch ở TP HCM từng bước được kiểm soát, số ca bệnh ghi nhận trong ngày giảm đáng kể. Từ ngày 1/10, TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới. Từ giữa tháng 10 đến nay, mỗi ngày thành phố chỉ ghi nhận thêm khoảng 1.000 F0.

Khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 được xem là giai đoạn căng thẳng nhất của TP HCM (Ảnh minh họa).

Tính đến ngày 17/11, nghĩa là chỉ trong khoảng 6 tháng, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 451.113 ca Covid-19. Số F0 ghi nhận tại TP HCM chiếm 42% tổng số ca bệnh được ghi nhận trên cả nước. Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cứ 1000.000 người tại TPHCM có khoảng 49 người mắc Covid-19.

Trong số các bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận tại TP HCM có 5,18% số trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi; 86,77% bệnh nhân từ 18 đến 65 tuổi; 8,04% bệnh nhân là người già trên 65 tuổi.

Cũng theo thống kê, có 52% ca mắc Covid-19 tại TP HCM là nữ giới.

80.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch

Để điều trị lượng bệnh nhân tăng vọt, TP HCM xây dựng hệ thống tháp điều trị nhiều tầng (giai đoạn đầu là 5 tầng sau đó rút gọn còn 3 tầng); áp dụng điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà; thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng; huy động nguồn lực của y tế tư nhân.

Lực lượng chống dịch tại TP HCM (Ảnh minh họa).

Theo PGS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, 6 tháng chống dịch Covid-19 là thời khắc cam go nhất của ngành Y tế, đã có những đau thương mất mát, có hơn 80.000 nhân viên y tế tham gia chống dịch, trong đó có gần 55.000 cán bộ tại cơ sở, gần 25.000 cán bộ y tế từ khắp nơi mọi miền đất nước hỗ trợ cho TP HCM.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, quyết định điều động một lực lượng nhân lực lớn vào TP HCM là không hề dễ.

"Lúc đầu chúng tôi điều động 39 cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế vào hỗ trợ, đồng hành với thành phố phòng chống dịch. Tiếp đó là huy động lực lượng lớn nhân lực y tế vào hỗ trợ thành phố. Thống kê bước đầu có gần 25.000 lượt cán bộ y tế, 39 đơn vị y tế của Bộ đã điều động vào TP HCM", Bộ trưởng nói.

Lực lượng chi viện từ cả nước đã hỗ trợ TP HCM trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Trong đợt dịch lớn chưa từng có này, TP HCM cũng đã thiết lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường được trưng dụng từ khu nhà tái định cư của thành phố, các ký túc xá của trường đại học, cao đẳng, với nhiệm vụ thu dung điều trị các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

Theo thống kê của Bộ Y tế đến hết ngày 17/11, TP HCM vẫn còn 56.418 bệnh nhân đang theo dõi và điều trị. Trong đó:

- 48.903 bệnh nhân đang theo dõi và điều trị tại nhà.

- 5.185 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly.

- 2.330 ca đang điều trị tại bệnh viện.

Trong số 2.330 ca đang điều trị tại bệnh viện có 1.693 ca thở oxy Mask, gọng kính; 322 ca thở oxy dòng cao (HFNC), 235 ca phải thở máy xâm lấn, 38 ca phải lọc máu, 11 ca phải can thiệp ECMO.

Hơn 17.000 bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM tử vong

Sự phức tạp của làn sóng dịch thứ tư khiến TP HCM chịu nhiều tổn thất về sinh mạng, mặc dù lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực không ngừng nghỉ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, TP HCM có 17.265 bệnh nhân Covid-19 tử vong (chiếm khoảng 73,8% tổng số ca tử vong do Covid-19 của cả nước). Tỷ lệ số ca tử vong/ca mắc là 3,8%; số ca tử vong/1 triệu dân là 1,91 ca.

Tro cốt của bệnh nhân tử nạn do Covid-19 tại TP HCM được trao về tận tay gia đình (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 17/11, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, trong số các trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong tại TP HCM, nam giới chiếm 41,5%, nữ chiếm 58,5%. Số người tử vong từ độ tuổi 50 trở lên chiếm 86,5%, trong đó, người trên 65 tuổi chiếm đến 52,3%. Trong đó có 38 trẻ em và 62 phụ nữ có thai.

Sáng 18/11, tại chùa Việt Nam Quốc Tự (Quận 10, TP HCM), Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam văn phòng 2 Trung ương và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM đã tổ chức "Đại lễ Kỳ siêu các nạn nhân tử vong trong dịch bệnh Covid-19" nhằm tưởng nhớ, tri ân các cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, lực lượng tuyến đầu, phật tử và đồng bào các giới... không may qua đời do dịch bệnh.

Vào lúc 20h ngày 19/11, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19, buổi lễ tưởng niệm sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV từ hai điểm cầu chính: Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và điểm cầu tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Tác giả: Minh Nhật

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến