Mặc dù ở bên cạnh nhà máy thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên, hàng chục năm nay hơn 350 hộ dân ở thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông), vẫn sống trong cảnh “đói” điện. Họ mơ ước 1 ngày điện được phủ về bản làng để người dân bớt vất vả trong sinh hoạt, sản xuất.
Gần 20 năm “đói” điện
Từ trung tâm xã Quảng Phú, huyện Krông Nô đi dọc theo tỉnh lộ 4B về hướng Lâm Đồng khoảng 14 km, thôn Phú Vinh nằm dọc theo hai bên đường, nhà tựa vào vách núi, mặt hướng ra hồ thủy điện.
Đứng ở thôn Phú Vinh có thể nhìn thấy nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh, nhà máy thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên với công suất 86 MW.
Thế nhưng, người dân dù ở bên nhà máy thủy điện gần 20 năm nay vẫn sống trong cảnh tối tăm, “đói điện” khi màn đêm buông xuống. Đối với người dân nơi đây, đồ dùng gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy quạt… là những thứ xa xỉ.
20 năm trước nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số như H'Mông, Thái, Dao từ các tỉnh miền núi phía bắc di cư đến lòng hồ thủy điện sinh sống.
Nhà anh Phàng A Ninh mua tấm năng lượng mặt trời 4 triệu đồng để thắp sáng cho gia đình. Ảnh: Minh Lộc.
Năm 2004, khi thủy điện Buôn Tua Srah đi vào hoạt động, tích nước, những cư dân nơi đây phải chuyển dần lên khu vực cao, sát tỉnh lộ 4B, nhường đất cho thủy điện. Tháng 6/2016, thôn Phú Vinh đã được UBND tỉnh thành lập.
Gia đình anh Phàng A Ninh (36 tuổi, trú thôn Phú Vinh) gồm 6 người nhưng chỉ có một chiếc bóng điện nhỏ bằng nắm tay trẻ em để thắp sáng. Nguồn ánh sáng ấy được lấy điện từ tấm pin mặt trời mà anh Ninh mua năm ngoái với giá 4 triệu đồng. Chiếc bóng đèn nhỏ đủ ánh sáng cho 6 con người trong gia đình anh không va vào nhau khi đi lại trong nhà vào buổi tối.
“Ngày nào nắng thì còn có chút điện để thắp đèn, ngày nào trời âm u là bóng đèn sáng không nổi, cả gia đình không thấy được mặt nhau. Ngày ấy mình nghĩ, nhà gần thủy điện thì chắc sẽ được ưu tiên kéo điện, cuộc sống đỡ phải tăm tối, thế nhưng đợi mãi chẳng thấy. Gần 20 năm qua cả làng Phú Vinh sống trong cảnh tăm tối”, anh Vinh nói.
Còn theo anh Giàng A Hồng (35 tuổi, trú thôn Phú Vinh), những gia đình ở thôn Phú Vinh khoảng 19h đã giăng mùng chuẩn bị lên giường ngủ vì không biết làm gì.
Làng Phú Vinh có 350 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu đa số là dân tộc H’Mông sống trong cảnh "đói" điện gần 20 năm nay. Ảnh: Minh Lộc.
“Cả nhà chỉ có một cái bóng đèn thắp bằng bình ắc quy cũ, dùng tiết kiệm thì thắp sáng được hơn 10 ngày, không thì 5-7 ngày là hết, mà chỗ sạc bình thì xa, mỗi lần đưa bình đi sạc rất vất vả, tốn tiền. Thế nên con gà lên chuồng thì mình cũng đi ngủ thôi”, anh Hồng nói.
Mõi mòn chờ điện
Theo ông Lục Văn Hiệp, Trưởng thôn Phú Vinh, thôn có 350 hộ dân với gần 1.200 nhân khẩu, đa số là dân tộc H’Mông. Do không có điện, đời sống của người dân vô cùng vất vả, mù thông tin, lạc hậu so với những nơi khác.
Trẻ em không có ánh sáng để học tập, không được học hành đến nơi đến chốn. Không chỉ có sinh hoạt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp như bơm nước, xay nghiền nông sản người dân cũng dùng máy nổ mã lực lớn, tiêu tốn không ít nhiên liệu.
“Chúng tôi mong điện được kéo về làng để người dân thoát cảnh tối tăm, đỡ vất vả và có thể tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu biết nhiều hơn. Có điện, con em chúng tôi sẽ có được nơi học hành tử tế và được giáo dục tốt hơn”, ông Hiệp chia sẻ.
Ông Vũ Hoàng Phú, Chủ tịch xã Quảng Phú, cho biết trên địa bàn xã duy nhất có 2 thôn Phú Hòa và Phú Vinh chưa được phủ lưới điện.
Trẻ em tại làng Phú Vinh không tiếp cận được tivi nên tụ tập chơi đùa với nhau. Ảnh: Minh Lộc.
Công ty điện lực Đắk Nông đã kéo điện về thôn Phú Hòa và một phần thôn Phú Vinh (58 hộ được dùng điện). Tuy nhiên, dự án này dừng lại và chưa thấy triển khai tiếp, người dân lại càng mong điện hơn.
"Chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp tạo điều kiện để tiếp tục dự án phủ điện về thôn cho người dân bớt vất vã trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên”, ông Phú nói.
Còn ông Bùi Văn Liên, Giám đốc điện lực Krông Nô, cho biết công trình cấp điện 2 thôn Phú Hòa và Phú Vinh thuộc dự án Chính phủ, cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia ưu tiên xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015-2020.
“Dự án mới triển khai giai đoạn 1 nên điện mới chỉ đến được đầu thôn Phú Vinh. Hiện, phía Công ty cũng kiến nghị các cấp tạo điều kiện để triển khai giai đoạn 2 của dự án, phủ điện cho thôn Phú Vinh tạo điều kiện sinh hoạt cho người dân nơi đây”, ông Liên thông tin.
Theo Zing.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy