Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lên tiếng về sai phạm tại Petrolimex
15/04/2016 10:19:00
Khẳng định kết luận thanh tra đã ký không có gì thay đổi, nhưng ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ “cùng ngồi lại” với các bộ ngành để rà soát xem sai phạm tại Petrolimex có phải thất thoát hay không và giải thích rõ hơn một số thông tin để người dân hiểu.

Tin liên quan

Ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì cuộc họp báo (Ảnh: Thế Kha)

Sáng 14/4, chủ trì cuộc họp báo thường kỳ quý I/2016, ông Ngô Văn Khánh thừa nhận có nhiều thắc mắc xung quanh việc Thanh tra Chính phủ chưa công bố rộng rãi về Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Đến nay việc chưa thống nhất nhiều nội dung trong kết luận sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành, Petrolimex xử lý, giải quyết như thế nào...

“Sau khi ký kết luận thanh tra tại Petrolimex rồi mới có ý kiến khác nhau. Đây là trường hợp rất ít gặp. Vậy quy trình làm có đúng không? Quy trình làm cơ bản đúng, nhưng không thể tránh khỏi ý kiến khác nhau sau kết luận thanh tra. Xảy ra cũng là chuyện bình thường, bởi Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan thực thi pháp luật khác không phải nhất nhất đúng hết, nhất nhất chính xác hết. Nếu nhận thấy trong kết luận thanh tra có gì chưa chính xác, thậm chí ngược lại, thì phải chủ động sửa kịp thời”- ông Khánh bày tỏ.

Tuy vậy, ông Khánh thẳng thắn cho rằng kết luận thanh tra đã được ký không có gì thay đổi, dù một số số liệu phải được giải thích rõ hơn để cho người dân hiểu, xem có phải thất thoát, mất mát hay không. “Chúng tôi sẽ ngồi lại với các bộ ngành và Petrolimex để rà soát lại và sẽ có thông báo cuối cùng về việc này. Tóm lại tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, việc có ý kiến khác nhau, kể cả trước và sau kết luận thanh tra là bình thường. Chúng tôi đã cùng nhau ngồi, rà và đã có thông báo với các bộ ngành”- vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Trước đó như Dân trí phản ánh, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, tháng 9/2008, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 32/QĐ-BCT bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu, chi phí cao, giá định hướng xăng dầu được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1), nhưng Petrolimex lại ban hành quy định tiếp tục phân vùng và thực hiện giá bán lẻ vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá bán lẻ nhà nước qui định.

Từ tháng 2/2010 đến 30/6/2013, tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế thì doanh thu vùng 2 tăng trên 2.796,8 tỉ đồng. Việc Petrolimex quy định giá bán lẻ cao hơn giá liên bộ điều hành, không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của Pháp lệnh giá.

Bên cạnh đó, căn cứ theo giá bán lẻ do liên bộ Tài chính - Công Thương điều hành, công ty mẹ - Tập đoàn Petrolimex sẽ quyết định giá bán nội bộ cho các công ty xăng dầu thành viên. Từ năm 2010 đến 30/6/2013, công ty mẹ Petrolimex đã điều chỉnh tăng giá bán nội bộ làm tăng doanh thu, lợi nhuận số tiền gần 150 tỉ đồng và điều chỉnh giảm giá bán nội bộ làm giảm doanh thu, lợi nhuận số tiền gần 770 tỉ đồng.

Sai phạm tại Petrolimex sẽ được tính toán lại ?

Về quản lý hao hụt xăng dầu, theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, định mức hao hụt xăng dầu do Petrolimex xây dựng, ban hành đều có xu hướng giảm dần nhưng đáng ngạc nhiên, định mức hao hụt tổng hợp các công đoạn vẫn cao hơn hao hụt thực tế từ 35-48%. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, hao hụt qua kho có giá trị lên tới trên 2.932 tỉ đồng nhưng Công ty mẹ Petrolimex hạch toán vào giá vốn theo qui định tại quy chế kinh doanh xăng dầu mà không hạch toán theo hao hụt thực tế làm phát sinh chênh lệch giữa hao hụt tính theo định mức và hao hụt thực tế khi kiểm kê.

Theo đoàn thanh tra, từ năm 2010 - 6/2013, tổng hợp từ các công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex cho thấy số lượng xăng dầu “thừa” theo phương pháp quản lý trên là trên 18,67 triệu lít, tương đương gần 311 tỉ đồng.

Ở một loạt hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu khác, Petrolimex đều bộc lộ những bất thường như: so sánh đơn giá cước vận tải xăng dầu giữa tập đoàn Petrolimex và các đơn vị thành viên của tập đoàn này thì Tập đoàn luôn thuê với giá cao hơn. Việc Tập đoàn này thuê tàu chở xăng dầu định hạn tuy đảm bảo sự chủ động trong vận chuyển nhưng đơn giá thuê định hạn cao hơn thuê chuyến, làm tăng chi phí vận chuyển gần 380 tỉ đồng, làm giảm hiệu quả kinh doanh.

Hay chi phí kinh doanh thực tế bình quân hàng năm với các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex luôn cao hơn định mức qui định; chi phí thù lao đại lý ở một số công ty xăng dầu với mặt hàng xăng cao hơn giá bán lẻ bình quân cũng là một dấu hỏi về hiệu quả quản lý ở tập đoàn này.

Không chuyển hồ sơ sai phạm tại Vietracimex

Một vấn đề khác cũng được báo chí chất vấn thẳng thắn đối với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tại cuộc họp báo xung quanh việc tại sao không chuyển hồ sơ sai phạm tại Công ty Vietracimex sang Bộ Công an để tiếp tục xem xét, xử lý hình sự?

Ông Ngô Văn Khánh giải thích, kết luận thanh tra đã chỉ rõ việc cố ý làm trái, sai phạm mang tính bước ngoặt trong cổ phần hóa tại Vietracimex. “Trước khi kết luận chính thức, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với viện kiểm sát và Bộ Công an, lật đi lật lại, thấy theo quy định của pháp luật, làm trái hoặc rất trái nhưng phải gắn với hậu quả. Nhưng hậu quả chúng tôi, đặc biệt Thanh tra Chính phủ chưa chứng minh được nên các cơ quan tố tụng thống nhất chưa chuyển hồ sơ xem xét xử lý hình sự”- ông Khánh nêu lý do.

Tuy vậy, khi kết thúc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tiếp tục giao Bộ Tài chính xem xét lại quá trình tăng vốn tại Vietracimex, nếu có vi phạm thì xử lý, vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định. “Kết luận này triệt để, triệt để cả về mức độ, cả dự liệu nếu có thể để kiến nghị cho thích hợp”- ông Khánh nói.

Theo kết luận thanh tra, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện không đúng yêu cầu của đề án trong việc chuyển tất cả các công ty thành viên thành công ty con của Vietracimex; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, để người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietracimex - ông Võ Nhật Thăng làm trái quy định trong thực hiện quyền, nghĩa vụ người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trái quy định của Luật Doanh nghiệp trong việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 3/6/2006, chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm cụ thể thuộc về lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, cán bộ cơ quan có liên quan của Bộ Giao thông vận tải thời kỳ năm 2005-2006.

Kết luận thanh tra cũng cho rằng với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietracimex, ông Võ Nhật Thăng đã cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp và làm trái quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/200; chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ-con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ 93,37% trong vốn điều lệ.

“Đây là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu của đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ cho biết qua nhiều lần tăng vốn liên tiếp sau sự kiện đại hội cổ đông trái pháp luật nói trên, tại thời điểm ngày 31/12/2013, ông Võ Nhật Thăng có góp vốn tại Vietracimex trên 5.164,8 tỷ đồng (theo chứng nhận đăng ký kinh doanh), chiếm 93,37 vốn điều lệ.

Kết luận thanh tra này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 289/VPCP-V.I ngày 13/1/2016 vừa qua.

Theo Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến