Lãnh đạo Vietinbank nhận 182 triệu/tháng, không chia cổ tức 2015
27/04/2016 10:03:46
ANTT.VN - Toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của Vietinbank năm 2015 còn gần 3.661 tỉ đồng sẽ được ngân hàng để lại để bổ sung nguồn vốn tự có, phục vụ giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank.

Tin liên quan

Sáp nhập một TCTD khác ngoài PGBank

Đại hội cổ đông Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) được tổ chức vào ngày 26/4 đã thông qua nhiều tờ trình về kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch thực hiện 2016, ngoài ra việc không chia cổ tức năm 2015 và thương vụ sáp nhập PGBank cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông.

Báo cáo tại Đại hội, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ khẳng định: Năm 2015, VietinBank đã có một năm kinh doanh thành công, đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ đề ra. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2015, tổng tài sản của VietinBank 779.483 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng 676.688 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước; nguồn vốn huy động 711.785 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn chủ sở hữu 56.110 tỷ đồng; vốn điều lệ 37.234; lợi nhuận trước thuế 7.345 tỷ đồng, tăng 0,6%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng 0,73%...

Năm 2016, ĐHĐCĐ VietinBank đề ra kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu: Tổng tài sản 889.550 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 789.492 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 3%...

Chủ tịch HĐQT Vietinbank Nguyễn Văn Thắng (ngồi giữa) phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016

Với dự kiến sáp nhập PGBank, VietinBank sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên hơn 64.000 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ, đáp ứng yêu cầu về vốn theo chuẩn mực quốc tế Basel II, nâng cao vị thế cạnh tranh của VietinBank trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đại hội cổ đông cũng ghi nhận nhiều câu hỏi dành cho ban lãnh đạo liên quan tới hoạt động mua bán sáp nhập cũng như thông tin về thương vụ với Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng cho biết quá trình sáp nhập PGBank chậm trễ do vướng nhiều thủ tục pháp lý, liên quan tới nhiều Bộ, Ban, ngành. Tuy nhiên, vị này cũng thông tin mới đây, toàn bộ thủ tục đã hoàn tất và chỉ còn chờ Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Ông dự kiến, ngay sau khi được thông qua, sẽ tiến hành tích hợp hệ thống của 2 ngân hàng và công đoạn này có thể hoàn tất trong 3 tháng.

Trước đó, VietinBank đã tham gia hỗ trợ quản trị, điều hành OceanBank và GPBank theo chỉ định của NHNN (sau khi NHNN mua lại 2 ngân hàng này với giá 0 đồng). Với sự hỗ trợ của VietinBank, hoạt động của GPBank và OceanBank đã dần đi vào ổn định và đạt được những kết quả kinh doanh khả quan.

Theo chủ tịch Nguyễn Văn Thắng, xu hướng sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam là không thể tránh khỏi. Với VietinBank, sáp nhập PG Bank để tăng quy mô và tận dụng lợi thế của ngân hàng sáp nhập mang lại. Thời gian tới, HĐQT, Ban Điều hành cùng quý cổ đông VietinBank sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm cơ hội, có thể sẽ xem xét nếu tìm được đối tác hoạt động lành mạnh, hiệu quả và thích hợp với định hướng phát triển chung của VietinBank.

Lãnh đạo hưởng lương 182 triệu đồng/tháng, không chia cổ tức 2015

Một tờ trình tại đại hội cổ đông lần này cũng nhận được sự quan tâm của cổ đông là tỉ lệ trả thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đề nghị thông qua mức tối đa bằng 0,38% lợi nhuận sau thuế của năm, cao hơn mức 0,36% của năm 2015.

Theo chỉ tiêu kinh doanh năm 2016, Vietinbank phấn đấu lợi nhuận trước thuế đạt 7.900 tỉ đồng, tương ứng lợi nhuận sau thuế đạt 6.320 tỉ đồng. Với số lượng thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát của ngân hàng 11 người thì mỗi lãnh đạo ngân hàng này nhận được khoảng 181,94 triệu đồng/tháng.

Đại hội đã thông qua miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT VietinBank đối với ông Phạm Huy Thông để chuyển công tác theo Quyết định điều động của Thống đốc NHNN Việt Nam.

Đại hội đã thông qua bầu bổ sung ông Yotaro Agari - Trưởng Phòng Kế hoạch khu vực Châu Á và Châu Đại Dương The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Singapore giữ chức vụ Thành viên HĐQT VietinBank.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietinbank đã đề nghị cổ đông chấp thuận việc không chia cổ tức năm 2015 mặc dù báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 7.345 tỉ đồng, tăng 0,6% năm trước.

Đại hội đồng cổ đông thông qua các tờ trình 

Giải thích với các cổ đông về lý do không chia cổ tức, ông Lê Đức Thọ - tổng giám đốc Vietinbank - cho biết ngân hàng không chia cổ tức nhằm bổ sung vốn tự có nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng. Đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, việc không chia cổ tức cũng liên quan đến giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank. Cụ thể, theo thông tư 36/2015/TT-NHNN, ngày 31-12-2015, hai bên tham gia sáp nhập không được chia cổ tức trước khi sáp nhập để đảm bảo không làm giảm giá trị sổ sách mỗi cổ phần của các bên. Tuy nhiên, do giao dịch sáp nhập kéo dài, VietinBank đã thực hiện chia cổ tức năm 2014 căn cứ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên.

Trong năm nay để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, HĐQT VietinBank đã đàm phán với PGBank và trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 về việc không chia cổ tức năm 2015 để đảm bảo các quy định trước sáp nhập.

Theo đó, toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ gần 3.661 tỉ đồng sẽ được VietinBank để lại để bổ sung nguồn vốn tự có của ngân hàng.

“Để tăng trưởng được thì phải có tiền. Lãnh đạo Vietinbank cũng nghiên cứu làm sao để hạn chế thấp nhất việc cổ đông phải góp thêm tiền. Tuy nhiên, năm 2016, tỉ lệ trả cổ tức dự kiến sẽ đạt 7-9%” - ông Thọ nói.

Hiểu Minh

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến