Dòng sự kiện:
Lập hãng bay VASCO: Dựa vào kẽ hở của pháp luật?
16/03/2016 17:43:50
ANTT.VN – Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định rằng thương vụ thành lập hãng bay VASCO có những điểm…bất bình thường, hay ít nhất thì cũng khiến dư luận phải nghĩ như vậy.

Tin liên quan

Công ty Bay Dịch vụ VASCO - Hãng hàng không con của Vietnam Airlines.

Như đã thông tin, dư luận đang rất quan tâm đến đề xuất thành lập Công ty Cổ phần Hàng không VASCO của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) trên cơ sở tái cấu trúc Công ty Bay Dịch vụ VASCO, với sự tham gia của VNA và 2 công ty con của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Theo đó, VNA sẽ đóng góp 51% cổ phần trong công ty mới với những tài sản hiện có của Công ty Bay Dịch vụ VASCO, trong khi 2 đại diện từ Techcombank sẽ góp bằng tiền 49% số cổ phần còn lại.

Thành lập thêm một hãng hàng không mới là điều đáng mừng, nhất là trong bối cảnh thị trường Việt đang có dấu hiệu thiếu cạnh tranh. Tuy vậy, cách thức cũng như phương pháp được lựa chọn để thành lập VASCO đang khiến người ta không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu có hay không nguy cơ “chảy máu” tài sản Nhà nước!

Thành lập trên kẽ hở của luật pháp?

Trao đổi với ANTT.VN quanh việc VNA có vi phạm luật pháp hay không khi thành lập công ty cổ phần mới dựa trên Công ty Bay dịch vụ VASCO mà không qua quá trình đấu giá cổ phần, mời gọi đầu tư công khai, ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT khẳng định:

“Theo quy định của pháp luật hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà NN sở hữu 100% cổ phần. Trong khi VNA đã thực hiện cổ phần hóa từ cuối năm 2014, bởi vậy VNA không phải là một công ty NN, do đó các công ty phụ thuộc, trong đó có VASCO, cũng không thể coi là DNNN được.

Trong quy định của pháp luật có văn bản về việc chuyển đổi Cty TNHH MTV 100% vốn NN thành công ty cổ phần (Nghị định 59/2011). Nếu VNA chưa được cổ phần hóa thì chúng ta có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức: Một là chuyển đơn vị phụ thuộc thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên rồi mới thực hiện quy trình cổ phần hóa. Hai là góp vốn thành lập một công ty cổ phần bằng cách dùng toàn bộ tài sản của đơn vị phụ thuộc đánh giá lại theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, VNA đã được cổ phần hóa từ cuối năm 2014, trong khi không có quy định nào hướng dẫn chuyển đơn vị phụ thuộc của một Tổng công ty cổ phần thành Cty CP. Pháp luật chỉ hướng dẫn làm sao chuyển Cty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thành Cty CP. Bởi vậy VNA đã lựa chọn phương án 2, góp vốn tạo nên một Cty CP, đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật, thuê tổ chức tư vấn thẩm định độc lập được ủy nhiệm từ Bộ Tài chính và được sự đồng thuận của các cổ đông”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại chọn đúng ‘kẽ hở’ của pháp luật để thành lập VASCO? Liệu mục đích có hẳn là để rút ngắn quá trình cổ phần hóa hay không?!

Trả lời ANTT.VN về vấn đề trên, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật Basico, đồng thời là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, chỉ biết ‘ngao ngán’:

“Rất khó hiểu khi VNA lại không chọn con đường rõ ràng nhất là công khai đấu giá cổ phần, thậm chí đấu giá chọn nhà đầu tư chiến lược, mà lại chọn con đường gây nhiều tranh cãi như vậy!”.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Hà Nội, khẳng định nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước trong vụ cổ phần hóa Vasco là có cơ sở và cần phải nhận được nội dung trả lời thỏa đáng và thuyết phục:

“Việc VNA không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần hóa VASCO, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để Nhà nước không lo thất thoát tài sản, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua) khiến dư luận có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi lớn”.

Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải: "Chính sách bảo lãnh của Chính phủ đang kéo lùi sự phát triển của DNNN"

Cần chấm dứt ngay bảo lãnh tín dụng của Chính phủ đối với VNA

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định VNA có thể đang ‘lập lờ đánh tráo khái niệm’:

“Trước đây, luật quy định công ty Nhà nước với doanh nghiệp Nhà nước là 2 khái niệm khác biệt, với vốn chủ sở hữu của Nhà nước lần lượt là 100% và hơn 50%. Tuy nhiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Hai khái niệm này đều được hiểu là một tổ chức kinh doanh mà Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Quay ngược về cuối tháng 7/2015, tức là sau thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, VNA lại được Chính phủ đồng ý miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay của Vietnam Airlines được Bộ Tài chính bảo lãnh để hiện đại hóa đội bay. Đây là những ưu đãi vốn chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước (NN nắm 100% cổ phần)”

“Vậy câu hỏi đặt ra là VNA có đang ‘lập lờ’ nhằm hưởng lợi cho mình. Khi khó khăn thì từ chối nghĩa vụ Nhà nước, trong khi lại mang danh công ty quốc doanh để tận dụng ưu đãi từ Chính phủ?”, vị luật sư băn khoăn, đồng thời nhấn mạnh rằng chính cách làm của VNA đang khiến người ta có quyền nghi ngờ về tính minh bạch của thương vụ VASCO.

Tính tới cuối tháng 9/2015, Vietnam Airlines là một trong hai đơn vị được Chính phủ bảo lãnh lớn nhất (Chỉ sau EVN với khoảng 5 tỷ USD). Chính phủ đã cấp bảo lãnh cho Vietnam Airlines lũy kế khoảng 2,7 tỷ USD, dư nợ bảo lãnh 1,54 tỷ USD. Trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, Vietnam Airlines cần thêm khoảng 2,5 tỷ USD được Chính phủ bảo lãnh.

Trả lời ANTT.VN, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), cho rằng Chính phủ nên tiến tới bỏ chính sách bảo lãnh tín dụng đối với các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước, nhấn mạnh rằng với tổng số tiền bảo lãnh lũy kế tính tới thời điểm hiện tại lên tới hàng chục tỷ USD, chính sách bảo lãnh DNNN của Chính phủ đang không mang lại lợi ích tương ứng với chi phí đã bỏ ra:

“Những cái chết ‘lâm sàng’ mang tên Vinashin, Vinaline cùng nhiều dự án công nghiệp nặng, đặc biệt là xi măng cho thấy tính thiếu hiệu quả của các dự án được bảo lãnh bởi Chính phủ”.

Về phần VNA, ông Hải khẳng định lượng tín dụng khổng lồ được Chính phủ bảo lãnh để thuê, mua máy bay đang khiến dư luận phải đặt câu hỏi về năng lực quản trị của VNA.

“Trong khi VNA vẫn cần tới sự ‘chống lưng’ của Chính phủ, thì Vietjet Air - với trình độ quản trị hiệu quả - đã thu hút được lượng vốn khổng lồ đủ để thuê/ mua hàng chục máy bay mới, nhằm hiện thực hóa giấc mơ Emirate châu Á“.

Vị chuyên gia tiếp tục: “Tôi cho rằng cần chấm dứt ngay lập tức chính sách bảo lãnh tài chính đối với các DNNN. Thay vào đó, nên xem xét trách nhiệm và năng lực của HĐQT công ty”.

“Nếu trình độ quản trị của ông tốt, các tổ chức tín dụng sẽ ‘xếp hàng’ cho ông vay tiền. Còn nếu ông vẫn phải dựa vào Chính phủ thì có nghĩa rằng năng lực của ông đang có vấn đề”.

Hà Nghi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến