Lầu Năm Góc đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng hậu cần nghiêm trọng nhất trong nhiều năm. Kho dự trữ tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Patriot hiện chỉ còn 25% mức tối thiểu được quy định để đáp ứng các kế hoạch tác chiến toàn cầu.
Tình trạng báo động
Theo tiết lộ từ hệ thống theo dõi đạn dược chiến lược của Mỹ - hệ thống nội bộ được quân đội Mỹ sử dụng để tính toán ngưỡng an toàn trong bảo đảm hậu cần, sự sụt giảm đáng báo động này diễn ra liên tục từ thời chính quyền cựu Tổng thống Biden. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do tốc độ viện trợ ồ ạt cho Ukraine kể từ năm 2022, kết hợp với những đợt khai hỏa quy mô lớn trong các tình huống khẩn cấp gần đây.
Thông tin này được tờ Guardian (Anh) đăng tải đầu tiên, trong đó mô tả tình trạng kho Patriot của Mỹ là “sự cạn kiệt đáng báo động”. Nhiều chuyên gia quốc phòng phương Tây đồng thuận với nhận định này. Nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng chính tình trạng thiếu hụt mang tính hệ thống là lý do chủ chốt khiến chính quyền ông Trump mới đây ra quyết định tạm dừng chuyển các lô Patriot tiếp theo cho Ukraine, bất chấp yêu cầu khẩn thiết từ Kiev.
Tên lửa phòng không PAC-3 MSE của hệ thống Patriot. Ảnh Militarnyi
Tên lửa PAC-3 MSE vốn là loại đạn chủ lực của hệ thống Patriot. Tuy nhiên, với tốc độ tiêu hao chưa từng thấy, từ chiến trường Ukraine tới các căn cứ tiền phương của Mỹ ở Trung Đông, kho tên lửa đánh chặn của Lầu Năm Góc bị rút cạn gần như cùng lúc trên nhiều mặt trận.
Đỉnh điểm xảy ra ngày 23/6, khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran phóng một loạt tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ tại Qatar - trung tâm chỉ huy chiến lược của Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM). Trong đòn tấn công được mô tả là lớn chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Vùng Vịnh, các tổ hợp Patriot đã phải khai hỏa hàng chục quả đạn PAC-3 MSE liên tục để đánh chặn, tạo nên vụ tiêu hao đạn dược lớn nhất trong lịch sử hệ thống này. Dù đòn đánh được hóa giải phần lớn, hậu quả về mặt hậu cần là không thể đảo ngược trong ngắn hạn.
Cũng trong thời gian này, các tổ hợp Patriot triển khai tại Ukraine bị tấn công gần như hàng ngày bởi các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đặc biệt là Iskander-M và Kinzhal do Nga phóng từ lãnh thổ Belarus và khu vực Donbass. Các đợt tập kích bằng vũ khí tốc độ cao đã gây tổn thất lớn, không chỉ cho các bệ phóng mà còn khiến số lượng tên lửa đánh chặn được tiêu hao với tốc độ chóng mặt. Việc sử dụng chiến thuật “hai chọi một” (hai đạn đánh chặn cho một tên lửa đối phương) khiến mỗi đợt khai hỏa tại Ukraine tiêu tốn hàng chục quả tên lửa PAC-3 MSE, một con số không thể bù đắp kịp bằng năng lực sản xuất hiện tại.
40 tỷ USD vẫn không đủ vá “lỗ hổng tử thần”
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức Hội đồng Giám sát Nhu cầu Lục quân Mỹ đã phải thông qua một bản ghi nhớ đặc biệt, trong đó nâng chỉ tiêu sản xuất PAC-3 MSE từ 3.376 lên 13.773 quả - tăng gấp hơn bốn lần. Mỗi quả PAC-3 MSE có giá trung bình 3,871 triệu USD, đồng nghĩa với việc chi phí tăng thêm sẽ vượt mức 40,2 tỷ USD, một con số khổng lồ trong bối cảnh ngân sách quốc phòng đang bị chia sẻ cho nhiều chương trình hiện đại hóa khác như NGAD hay AUKUS.
PAC-3 MSE là loại tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở vận tốc hơn Mach 5, phạm vi tác chiến trên 60 km và được dẫn đường bằng radar chủ động, giúp tăng đáng kể khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo tầm ngắn như Iskander hoặc UAV tốc độ cao. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng năng lực sản xuất hiện tại của Lockheed Martin không thể ngay lập tức đáp ứng đơn hàng khẩn cấp, dù đã được tăng công suất.
Tính đến đầu tháng 7/2025, chỉ có khoảng 3.500 quả PAC-3 MSE đang còn trong biên chế, trong khi số lượng tối thiểu theo yêu cầu tác chiến của Lầu Năm Góc là 13.500 đơn vị, chưa tính đến nhu cầu dự phòng cho các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức hay Ba Lan.
Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh Defensie
Việc chính quyền Tổng thống Trump tạm thời ngừng gửi thêm Patriot cho Ukraine là quyết định không thể tránh khỏi, nhưng cũng gây ra tranh cãi lớn trong nội bộ NATO. Kiev hiện phụ thuộc rất lớn vào hệ thống phòng không Mỹ để bảo vệ các thành phố như Kiev, Odessa và các cơ sở năng lượng.
Việc thiếu hụt tên lửa đánh chặn khiến Ukraine buộc phải sử dụng các phương án tạm thời như NASAMS hoặc SAMP/T, nhưng hiệu quả không thể so sánh với PAC-3 MSE, đặc biệt trong chống lại các đòn đánh bằng Kinzhal hay Iskander bay ở tốc độ siêu thanh và có khả năng cơ động cuối quỹ đạo.
Với việc kho tên lửa của Mỹ bị rút cạn từ cả hai hướng - chiến trường Đông Âu và điểm nóng Trung Đông, giới hoạch định quân sự Mỹ buộc phải đối mặt với thực tế là không một hệ thống nào, dù hiện đại đến đâu, có thể chiến đấu lâu dài nếu không được bảo đảm hậu cần đúng mức. Việc giãn tiến độ viện trợ không chỉ là vấn đề chính trị, mà là mệnh lệnh sống còn trong cân đối chiến lược toàn cầu.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy