Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 21/10, Quốc hội khoá XIV sẽ lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ở địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp cũng sẽ tiến hành công việc này trong năm 2018.
Đây sẽ là lần thứ ba Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm và lần đầu tiên thực hiện Nghị quyết 85 với một số điểm mới so với hai lần trước đó.
Một lá phiếu ba mức tín nhiệm
Sáng 21/11/2012, Quốc hội thông qua nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ hơn 95% đại biểu tán thành.
Theo đó, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do các cơ quan này bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được giải thích khác với bỏ phiếu tín nhiệm ở chỗ, nội dung trên là để "thăm dò", còn khi đã khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm thì Quốc hội, Hội đồng nhân dân sẽ thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm (hai mức) đối với người được bỏ phiếu để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Nghị quyết 35 nêu rõ, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” (ba mức).
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì quy trình bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được khởi động theo quy định.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu vào thùng trong phiên lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội khoá XIII, ngày 15/11/2014. Ảnh: VPQH
"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất tốt"
Sáng 11/6/2013, Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt. Người có số phiếu “tín nhiệm cao” nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Kim Ngân - tân Ủy viên Bộ Chính trị, với 372 phiếu.
Người có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với 209 phiếu. Người đứng thứ hai về số phiếu “tín nhiệm thấp” là ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo với 177 phiếu.
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khi đó đã khẳng định kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất tốt. Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao về đánh giá tín nhiệm bước đầu.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn. Ông Dương Trung Quốc thẳng thắn nói rằng các nước chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhưng Việt Nam lại lấy phiếu với 3 mức tín nhiệm, nên kết quả đánh giá chỉ tương đối.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cũng cho rằng chỉ nên áp dụng hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm.
Từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhiệm kỳ 2011-2016) trong phiên lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội khoá XIII, ngày 15/11/2014. Ảnh: VPQH
Tháng 11/2014, Quốc hội lần thứ 2 lấy phiếu tín nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đứng đầu với lần lượt 390, 380 và 365 phiếu “tín nhiệm cao”.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất với 192 phiếu.
Không có người nào bị "tín nhiệm thấp" từ 50% trở lên
Thống kê qua hai năm liên tiếp, tại Quốc hội, đã có 47 người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2013 và 50 người trong năm 2014.
Cụ thể, năm 2013 có 18 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên; 34 người “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” từ 50% trở lên; không có người “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 16 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%).
Năm 2014 có 25 người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên; không có ai “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên; 17 người “tín nhiệm thấp” từ 10% đến dưới 50% (34%). Kết quả cho thấy, ở lần lấy phiếu sau, số người có tỷ lệ “tín nhiệm cao” từ 50% trở lên đã tăng hơn 11%.
Sau đó, cũng tại kỳ họp tháng 11/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết 85 (sửa đổi) và thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được chuyển từ định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ.
Mức độ lấy phiếu tín nhiệm vẫn gồm 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Tiếp đó, Quốc hội đã luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
"Ba mức tín nhiệm là phù hợp"
Ông Trần Văn Túy - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu đánh giá, hai lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây đã đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước.
“Đây là bước tiến đổi mới, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của cơ quan dân cử”, ông Tuý nói.
Trưởng ban công tác đại biểu Trần Văn Tuý. Ảnh: VPQH
Nhận xét về kết quả phiếu và mức độ tín nhiệm, ông Tuý cho rằng đã phản ánh sát với thực tiễn, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thầm quyền xem xét, đánh giá đối với cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm; giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm tự soi xét lại mình để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, theo ông, việc xác định 3 mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng trong xem xét, đánh giá cán bộ.
"Nếu chỉ quy định hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm khi xem xét trách nhiệm cán bộ”, ông Tuý phân tích.
Đề cập đến lần lấy phiếu tín nhiệm sắp tới, lãnh đạo Ban công tác đại biểu cho hay, cá nhân ông sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cao cho những ai "dám nghĩ, dám làm, có hiệu quả công việc, tư duy đổi mới, phẩm chất tốt".
Ngược lại, người không dám nghĩ, không dám làm, không có sản phẩm cụ thể, tư duy trì trệ, có biểu hiện của suy thoái thì dứt khoát ông sẽ đánh giá tín nhiệm thấp. "Tôi tin các cử tri sẽ ủng hộ cách tiếp cận như vậy", ông nói.
Ở Trung ương, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước... Ở địa phương, HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBDN, Chánh văn phòng HĐND cấp tỉnh, Trưởng ban của HĐND, Phó chủ tịch UBND, các thành viên của UBND... |
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy