ANTT.VN – Từng ở vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính 12 năm, đồng chí Lê Văn Hiến đã để lại không ít ấn tượng đặc biệt với người dân Quảng Bình. Bởi có lẽ ông được mọi người yêu mến, tin tưởng vì hết mình trong sự nghiệp chiến đấu và sản xuất.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại thôn Trung Hòa, xã Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình đồng chí Lê Văn Hiến rất có uy tín trong xã viên, được mọi người mến yêu và tin tưởng, có chuyện gì xảy ra trong nội bộ nhân dân, đồng chí đều đến giải quyết có tình có lý.
Chiếc liềm đồng gặt lúa tránh bom từ trường
Tận tâm, tận lực
Trước tình hình địch phá ác liệt, đoán được kế hoạch của kẻ thù, đồng chí đã vận động giáo dân đào hầm hào. Lúc đầu giáo dân nghĩ: Mỹ không bao giờ đánh vào những nơi có nhà thờ Thiên Chúa. Đồng chí Lê Văn Hiến kiên trì vận động giáo dân chuẩn bị hầm hào, phòng không. Thật may mắn! Trận đầu tiên đánh vào thôn Trung Hòa rất ác liệt, nhờ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nên hạn chế được nhiều thiệt hại.
Người dân Trung Hòa vẫn nhớ như in: “Có một lần, địch đánh vào thôn, ba gia đình bị phá nát, không còn gì để sinh sống, đồng chí đã đem 70 kg gạo tiết kiệm của gia đình mình tương trợ cho ba gia đình đó và vận động nhân dân giúp đỡ dựng lại nhà cửa”.
Khi địch đánh vào quân cảng sông Gianh, hai tàu trúng đạn, để cứu bộ đội bị thương, đồng chí Lê Văn Hiến đã cùng quân dân chèo thuyền ra ứng cứu, đưa bộ đội hi sinh vào bờ mai táng. Và việc khâm niệm cho 15 chiến sĩ quả cảm do đồng chí trực tiếp thực hiện.
Năm 1967, trận địch đánh vào Trung Hòa, gia đình mẹ Tuất bị sập hầm, cũng chính đồng chí kịp thời cứu sống và vận động nhân dân đưa mẹ Tuất đi bệnh viện. Một tháng sau mẹ Tuất ra viện và nhắn hợp tác đến cử người cáng về, nếu không mẹ sẽ nghỉ lại nhà xứ Hướng Phương.
Đồng chí Hiến nghĩ: “Nếu để mẹ Tuất nghỉ lại ở Hướng Phương sẽ bị bọn phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa tuyên truyền, mê hoặc. Ngày mai, hợp tác xã phải mất công lên cáng mẹ về trong lúc đang thiếu lao động để sản xuất”. Cuối cùng, đồng chí liền động viên mẹ Tuất để mình cáng mẹ về. Mẹ Tuất không chịu, đồng chí phải nói mãi bà mới bằng lòng. Đoạn đường từ Hướng Phương đến Trung Hòa dài 15km, đồng chí Hiến vừa cõng, vừa địu mẹ từ 4 giờ chiều ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau mới về được đến nhà.
Dùng liềm đồng tránh bom từ trường
Vụ chiêm năm 1968, địch ném 104 quả bom từ trường xuống cánh đồng 64 mẫu lúa sắp gặt và 6 mẫu khoai. Huyện đội có ý định đưa công binh đến rà phá. Nhưng Đảng ủy xã xin hoãn lại để tìm cách thu hoạch, vớt vát phần nào. Trước tình hình đó, đồng chí Hiến đề xuất nên làm liềm bằng đồng để gặt. Khi ra cánh đồng mọi người đều ngập ngừng, không ai dám bước xuống trước, đồng chí đã xung phong xuống đầu tiên và đến gặt ở chỗ có bom chưa nổ. Thấy không có chuyện gì xảy ra, mọi người mới tin tưởng xuống đồng.
Một lần, địch pháo kích làm vỡ cống ngăn nước mặn. Trong lúc đi tuần, mặc dù rét như cắt, đồng chí Lê Văn Hiến đã lặn xuống lấy ván ghép lại cửa cống, lấy đất đá chèn lên cửa cống để ngăn nước chảy vào đồng, rồi về báo cáo với xã vận động nhân dân ra đắp cửa cống, cứu được 50 mẫu lúa khỏi bị nước mặn tàn phá.
Là một chiến sĩ can trường, lần đi cứu chữa một đơn vị bộ đội bị máy bay địch oanh tạc, ở nhà con gái đồng chí bị máy bay Mỹ bắn chết; được tin, đồng chí liền chạy về. Thấy con gái bị chết cháy, đồng chí lấy ván đóng hòm chôn cất con xong lại tiếp tục đến đơn vị tham gia khâm liệm các đồng đội đã hy sinh và chôn cất các liệt sĩ cho đến khuya.
Hoàng Hà
(Theo Những kỷ vật lịch sử công an nhân dân)