Dòng sự kiện:
LienVietPostBank: TCTD hay “tay chơi” chứng khoán?
31/03/2015 19:43:27
ANTT.VN - Một ngân hàng thương mại (chứ không phải ngân hàng đầu tư), địa hạt chủ yếu là thị trường tín dụng mà nguồn vốn đầu tư chứng khoán lại lớn đến mức xấp xỉ cả Cho vay khách hàng, bên cạnh những ánh nhìn nghi ngại về “cuộc phiêu lưu tỷ đô” với cây mắc-ca của ngân hàng này, dư luận có lý do để đặt ra câu hỏi: “LienVietPostBank: TCTD hay “tay chơi” chứng khoán?”.

Tin liên quan

Sống bằng lương, giàu bằng thưởng?!

Các thuyết minh từ trang 11 đến trang 66 là một bộ phận hợp thành của báo cáo tài chính” – dòng chữ này đã được thiết lập mặc định trong Footer Báo cáo tài chính 2014 mà Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank (LPB)  mới tiến hành công bố.

Quan tâm nhắc nhở các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính (BCTC) là vậy. Thế nhưng, quan sát tài liệu Báo cáo tài chính được nhà băng này công khai trên website chính thức của mình lại thấy rằng hình như LienVietPosBank đã “quên” mất  “bộ phận hợp thành” được lưu ý chi tiết dưới chân trang ấy (?).

“Các thuyết minh từ trang 11 đến trang 66 là một bộ phận hợp thành của báo cáo tài chính” nhưng tài liệu công khai lại chỉ có 6 trang

Cụ thể, Báo cáo tài chính dài 66 trang, trong đó riêng hợp phần Thuyết minh báo cáo tài chính đã chiếm 56 trang nhưng trên website, trong chỉ mục Báo cáo tài chính 2014, LPB chỉ upload vỏn vẹn 6 trang (từ trang 5 tới trang 10), bao gồm các bộ phận: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Nhìn nhận một cách khách quan, chiểu theo quy định tại điểm b (Nội dung công khai), Khoản 2 (Hình thức, nội dung và thời gian công khai báo cáo tài chính), Điều 14 (Công khai Báo cáo tài chính) tại Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-NHNN ngày 21/01/2015 về Quyết định Ban hành Chế độ báo cáo tài chính đối với tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), phải khẳng định LienVietPostBank hoàn toàn tuân thủ yêu cầu (tối thiểu) về nội dung công công khai báo cáo tài chính.

Tuy nhiên, “Khuyến khích các TCTD công khai đầy đủ các biểu mẫu báo cáo tài chính bao gồm: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính” -  ngoài quy định tối thiểu, văn bản tiếp tục nêu rõ khuyến nghị của NHNN về việc công khai BCTC.

Đặc biệt hơn, trong bối cảnh hiện nay, khi mà thị trường đang rất cần những thông tin thực sự minh bạch từ phía các chủ thể tài chính để tìm lại niềm tin đã phần nào nhạt phai cùng một thời “nhoạng nhập”  thì hơn lúc nào hết các TCTC phải là những người “lĩnh ấn tiên phong”.

Trên thực tế, từ nhiều năm trở lại đây, hầu hết các NHTM đã thực hiên rất tốt chủ trương này, từ nhóm quốc doanh như Vietinbank, BIDV, Vietcombank… đến khối thương mại cổ phần như Sacombank, Eximbank, ACB, MB….

Thuyết minh Báo cáo tài chính – bộ phận không tách rời của một Báo cáo tài chính luôn có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho người sử dụng báo cáo (khách hàng, cổ đông, nhà đầu tư…) một góc nhìn cận cảnh, cụ thể về tình hình “sức khỏe” tài chính của tổ chức phát hành báo cáo tài chính; để sau đó định hướng, đưa ra các quyết định cần thiết, phù hợp. Về nguyên tắc, những thông tin được công bố trong thuyết minh là minh bạch và không có gì phải bí mật. Nhưng, như đã nói, đối với LienVietPostBank thì tất cả vẫn đang ở chế độ “chờ”….

Dẫu vậy, trong phạm vi các nội dung mà Liên Việt đã công khai, người đọc cũng phần nào nhìn được đôi nét về “thể trạng” của ngân hàng này (dù chưa đầy đủ).

Bên cạnh những nét tích cực như Tổng tài sản tăng trưởng 27%, tổng dư nợ tăng trưởng 31%... bộ phận báo cáo đã công khai cũng chỉ ra không ít những điểm cần làm rõ.

Tín dụng “chết nghẹn”, lợi nhuận “vỡ đôi”

Đầu tiên, phải kể đến tương quan giữa Cho vay và Huy động (thị trường 1) tại LPB.

Cụ thể, so sánh với thời điểm đầu năm, Cho vay khách hàng  đã tăng trưởng đầy tích cực (ngót 40%) lên 41.289 tỷ đồng. Nhưng, so sánh với 77.820 tỷ đồng Tiền gửi của khách hàng cùng thời điểm thì rõ ràng khoản mục cho vay mới chỉ là “già một nửa” (53%).

Điều này nói lên điều gì?

Trong nền kinh tế, chức năng căn bản và nguyên thủy nhất của ngân hàng mà cụ thể là ngân hàng thương mại chính là trung gian tài chính, hay nói nôm na là ngân hàng ở giữa, huy động chỗ thừa đem cho chỗ thiếu vay và hưởng chênh lệch. Nghiệp vụ tín dụng cơ bản cũng là như vậy.

Tuy nhiên, không phải huy động được 1 đồng là lại đem cho vay cả 1 đồng, bởi, thị trường luôn luôn tồn tại rủi ro kỳ hạn (maturity risk) do kỳ hạn huy động và cho vay thường “lệch pha”. Nếu không cân đối được vấn đề này, TCTD sẽ đối mặt với việc mất thanh khoản (liquidity risk) – đại kỵ trong hoạt động ngân hàng. Do đó, để phòng ngừa trường hợp này, ngân hàng luôn phải duy trì những khoản dự trữ nhất định, bao gồm cả dự trữ bắt buộc tại NHTW (được tỷ lệ hóa chi tiết theo từng kỳ hạn huy động).

Nói thế để thấy, tổng dư nợ bao giờ cũng phải nhỏ hơn tổng huy động. Nếu chỉ tính trên thị trường 1 (dân cư và các tổ chức kinh tế) thì tỷ lệ Cho vay khách hàng/Tiền gửi khách hàng thường vẫn được các ngân hàng cân đối trong khoảng dao động từ 70 – 80%.

"Cho vay khách hàng/Tiền gửi của khách" hàng đạt tỷ lệ rất thấp: 53%

Đối với ngân hàng Liên Việt, tỷ lệ này là 53%, gần như thấp nhất trong nhóm những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính. MBBank, nhà băng vẫn bị “phàn nàn” vì chỉ số này, tỷ lệ vẫn là hơn 60%.

Ở một khía cạnh nào đó, tỷ lệ Cho vay khách hàng/Tiền gửi của khách hàng rất thấp nêu trên đã phản ánh khả năng “giải ngân” dòng vốn huy động rất “có vấn đề” ở LienVietPostBank.

So sánh với chỉ tiêu kế hoạch 60.000 tỷ đồng tổng dư nợ mà các cổ đông đã đề ra cho LPB trong năm 2014, thì cộng tất cả các khoản mục, kết quả thực hiện mới chỉ là 46.399 tỷ đồng, tức là còn “hụt hơi” so với đích tới 23%.

Trong khi đó, Tổng huy động vốn thị trường 1 lại “vượt” kế hoạch 4%, đạt 100.802 tỷ đồng.

Cân đối tín dụng “gãy”, dễ hiểu vì sao lợi nhuận “vỡ kế hoạch”. Cụ thể, trong năm 2014, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank chỉ đạt 535 tỷ đồng, thua 2013 129 tỷ đồng và bằng 49% kế hoạch năm.

Huy động hàng chục nghìn tỷ đồng “đổ” vào chứng khoán?

Tương quan tín dụng mất cân đối trầm trọng, LienVietPostBank đã làm gì với hàng chục nghìn tỷ đồng bị “nghẹn” lối ra?Quan sát Bảng cân đối kế toán, không khó để tìm ra câu trả lời.

Chứng khoán! Cụ thể là chứng khoán đầu tư.

Chứng khoán đầu tư "xấp xỉ" Cho vay khách hàng

Số liệu trên bảng cân đối kế toán cho thấy 36.252 tỷ đồng đã được “đổ” vào kênh Chứng khoán đầu tư, trong đó, có 34.783 tỷ đồng Chứng khoán sẵn sàng để bán và 1.591 tỷ đồng Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn (Dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư là 121 tỷ đồng).

36.252 tỷ đồng Chứng khoán đầu tư, tức là gần bằng với Cho vay khách hàng (40.816 tỷ đồng).

Một ngân hàng thương mại (chứ không phải ngân hàng đầu tư), địa hạt chủ yếu là thị trường tín dụng mà nguồn vốn đầu tư chứng khoán lại lớn đến mức xấp xỉ cả Cho vay khách hàng. Như vậy, bên cạnh những ánh nhìn nghi ngại về “cuộc phiêu lưu tỷ đô” với cây mắc-ca của ngân hàng này, dư luận có lý do để đặt ra câu hỏi: “LienVietPostBank: TCTD hay tay “chơi” chứng khoán?”.

(Tình hình nợ xấu; chính sách dự phòng rủi ro; chính sách phân phối lợi nhuận; số liệu đầu tư cũng như hiệu quả dòng tiền trong cuộc “chơi” chứng khoán nêu trên của LienVietPostBank sẽ được ANTT.VN tiếp tục gửi tới quý bạn đọc trong các kỳ tiếp theo).

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến