Chiều 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 54 bị cáo trong vụ "chuyến bay giải cứu". Bên cạnh mức án dành cho các bị cáo, trong bản án được HĐXX công bố cũng nêu rõ về xử lý vật chứng.
Đối với số tiền bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) và Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) thông qua Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) đưa cho Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) với mục đưa hối lộ, HĐXX nhận định là thực hiện giao dịch trái pháp luật.
"Vì vậy cần buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng truy nộp số tiền hơn 18,8 tỷ đã chiếm đoạt để sung công quỹ Nhà nước. Đồng thời sung công quỹ Nhà nước số tiền 1,85 triệu USD mà bị cáo Nguyễn Anh Tuấn làm người trung gian môi giới hối lộ đã nộp", HĐXX thông báo.
Bị cáo Hoàng Văn Hưng được dẫn giải sau khi toà tuyên án.
Cũng nằm trong nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền Phạm Bích Hằng (Giám đốc Công ty Vinamichi) đưa cho Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thái Hòa) với mục đích để đưa cho người có thẩm quyền xin cấp phép tổ chức chuyến bay, dù Hằng bị Tuấn lừa đảo nhưng Hằng có mục đích thực hiện giao dịch trái pháp luật.
Vì vậy HĐXX buộc bị cáo Trần Minh Tuấn truy nộp số tiền hơn 5,6 tỷ đồng đã chiếm đoạt để sung công quỹ Nhà nước.
Đối với nhóm tội Nhận hối lộ, theo HĐXX, toàn bộ số tiền của các bị cáo nhận hối lộ cần phải tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Đối với số tiền các bị cáo đã trả lại người đưa hối lộ và số tiền gia đình các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả sẽ được trừ vào khoản tiền các bị cáo còn phải truy nộp.
Đối với nhóm tội Đưa hối lộ, HĐXX cho rằng số tiền đưa hối lộ đã được người nhận hối lộ trả lại là khoản tiền được sử dụng vào hành vi vi phạm pháp luật nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
"Số tiền các bị cáo và gia đình các bị cáo đã nộp được trừ vào khoản tiền các bị cáo còn có nghĩa vụ phải truy nộp", chủ tọa phiên toà nói.
Đối với nhóm bị cáo nhận tiền để hối lộ, môi giới hối lộ như Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do), Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), Phạm Thị Kim Ngân (cựu cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra Chính phủ), Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cần buộc truy nộp số tiền hưởng lợi bất chính và tiền chiếm dụng trái phép từ hành vi vi phạm pháp luật để sung công quỹ Nhà nước.
Cụ thể, Hoàng Anh Kiếm phải truy nộp 20,13 tỷ đồng. Trong đó có 5 tỷ đồng hưởng lợi bất chính và 15,13 tỷ đồng (quy đổi từ 640.000 USD và 730 triệu Kiếm nhận từ Vũ Thuỳ Dương - Giám đốc Công ty CP Thương mại Lữ Hành Việt). Xác nhận Kiếm và gia đình đã nộp 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả, HĐXX yêu cầu bị cáo phải truy nộp 19,83 tỷ đồng.
Lê Thị Ngọc Anh phải truy nộp 3,27 tỷ đồng hưởng lợi từ việc xin cấp phép chuyến bay. Cụ thể số tiền bị cáo nhận từ Nguyễn Thị Hiền là 4,1 tỷ đồng; Vũ Duy Cường là 1,2 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí bị cáo đã đưa hối lộ và chi cho Phạm Thị Kim Ngân, HĐXX xác nhận bị cáo đã nộp 200 triệu đồng tại cơ quan điều tra, bị cáo còn phải truy nộp 3,07 tỷ đồng.
Phạm Thị Kim Ngân phải truy nộp số tiền 1,25 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ hành vi môi giới hối lộ. Bị cáo và gia đình đã nộp 100 triệu, bị cáo phải tiếp tục truy nộp số tiền 1,15 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Bùi Huy Hoàng hưởng lợi từ hành vi môi giới hối lộ là 671,5 triệu đồng, bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền cho cơ quan điều tra.
Đối với nhóm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các bị cáo đã thu và sử dụng tiền của người sử dụng lao động hoặc gia đình của những người lưu giữ tại các trại chờ ở Malaysia để đưa về nước không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho những người đã nộp tiền là 10,45 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, hiện nay không có thông tin của người nộp tiền, cơ quan điều tra không làm rõ được những người đã nộp tiền cho các bị cáo. Vì vậy cần tịch thu sung công Nhà nước số tiền trên", HĐXX nêu rõ.
Theo HĐXX, trong quá trình điều tra, thủ quỹ của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã nộp 908.640 ringgit (tương đương 5 tỷ đồng) được quản lý tại Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Cùng đó, các bị cáo đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính 1,76 tỷ đồng. Trong đó, Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) nộp 580 triệu đồng, Nguyễn Lê Ngọc Anh nộp 480 triệu đồng, Nguyễn Hoàng Linh nộp 480 triệu đồng và Đặng Minh Phương nộp 220 triệu đồng.
HĐXX tuyên, số tiền các bị cáo còn thiếu cần phải truy thu là 3,64 tỷ đồng. Căn cứ vào chức vụ, quyền hạn và vai trò của từng bị cáo trong việc thực hiện tội phạm, HĐXX buộc Trần Việt Thái chịu trách nhiệm 50% (tương đương 1,82 tỷ đồng), Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh mỗi bị cáo chịu 20% (tương đương 728 triệu đồng), còn Đặng Minh Phương chịu trách nhiệm 10% (tương đương 364 triệu đồng).
HĐXX đề nghị tiếp tục duy trì các lệnh kê biên, phong tỏa, yêu cầu ngăn chặn giao dịch liên quan đến các bị cáo để đảm bảo thi hành án về phần truy nộp và các nghĩa vụ khác về án phí.
Đối với các đồ vật, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo như điện thoại và một số tài sản khác, theo HĐXX, cần phải tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Còn các đồ vật, tài sản khác, vật dụng cá nhân như máy tính, sổ ghi chép...không chứa các thông tin liên quan đến tội phạm của các bị cáo, không phải tang vật của vụ án, HĐXX trả lại cho chủ sở hữu. Đồng thời trả lại cho các bị cáo và người có quyền lợi liên quan các giấy tờ cá nhân không liên quan đến hành vi phạm tội
"Đối với các cá nhân khác có liên quan như ông Lê Dũng (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao), ông Đặng Đình Tuyến (thư ký của cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng) và một số cá nhân khác hành vi có mức độ, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không đề nghị xử lý hình sự. Nhưng cần kiến nghị xem xét xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật", HĐXX nêu.
23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ 74 tỷ đồng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Anh Tuấn từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022 nhận hối lộ 32 lần, tổng số tiền 25 tỷ đồng. Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022 đã nhận hối lộ 37 lần, số tiền 21 tỷ đồng. Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) từ tháng 1/2020 đến tháng 1/2021 đã nhận hối lộ 38 lần, tổng số tiền 18 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 nhận hối lộ 7 lần, tổng số tiền 9 tỷ đồng. Bị Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận hối lộ 7 tỷ đồng... |
Tác giả: Anh Văn - Viên Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy