Sau gần một thập kỷ thua lỗ, Tổng công ty Sông Hồng âm vốn chủ sở hữu gần 1.000 tỷ đồng
Phiên đấu giá đáng chú ý
Bộ Xây dựng vừa đăng ký bán toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phần SHG (tương ứng tỷ lệ 49,04% vốn) do cơ quan này đại diện Nhà nước sở hữu tại Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (mã SHG - sàn UPCoM) thông qua hình thức đấu giá công khai, giá khởi điểm là 10.500 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá dự kiến thực hiện vào 9h ngày 22/12/2023, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Nếu phiên đấu giá thành công, Bộ Xây dựng sẽ thu về tối thiểu 139 tỷ đồng.
Phiên đấu giá nói trên là một sự kiện đáng chú ý, bởi vì giá khởi điểm đấu giá gấp tới gần 5 lần thị giá của cổ phiếu SHG đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Đóng cửa phiên giao dịch chiều 14/12/2023, mã SHG có thị giá 2.500 đồng/cổ phiếu. Mã này hiện đang bị hạn chế giao dịch do 2 năm tài chính liên tiếp gần đây không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, bị âm vốn chủ sở hữu… Trong một thời gian dài, cổ phiếu này thanh khoản èo uột, nhiều ngày liên tiếp không phát sinh giao dịch.
Trước đó, hồi cuối năm 2020, Bộ Xây dựng đã từng muốn thoái sạch 49,04% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này nhưng không thành công. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 25/12/2020 với mức giá khởi điểm bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu (thời điểm đó thị giá SHG là 2.200 đồng/cổ phiếu). Tuy nhiên, ngày 23/12/2020, HNX thông báo phiên đấu giá bị tạm dừng để “chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền”.
Lý do là Nghị định số 140/2020-NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần) không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với trường hợp các đơn vị đã phê duyệt phương án thoái vốn trước ngày 30/11/2020.
Theo đó, Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp có tên trong danh mục phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu quá hạn mà thoái vốn không thành công, Tổng công ty sẽ được chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.
Việc Bộ Xây dựng lần thứ hai muốn thoái toàn bộ vốn tại SHG và giá khởi điểm đấu giá lần này cao hơn 500 đồng/cổ phiếu so với lần trước, vẫn cao gấp gần 5 lần thị giá, khiến dư luận đặt câu hỏi về tiềm lực thật sự của doanh nghiệp này.
Sa sút hậu cổ phần hoá
Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (địa chỉ 70 An Dương, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng; có ngành nghề kinh doanh chính là thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, cầu cống, thủy điện, bưu điện, nền móng, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp, gia công cơ khí, chế tạo, lắp đặt máy móc thiết bị, thiết bị điện, điện tử, kết cấu kim loại...
Công ty này từng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), Nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, dự án 165 Thái Hà (Hà Nội), Nhà thi đấu thể dục thể thao Nam Định, Dự án Khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh)...; các khu căn hộ chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội)...
Năm 2009, doanh nghiệp thực hiện đấu giá lần đầu (IPO) gần 7 triệu cổ phần với giá đấu giá thành công là 22.290 đồng/cổ phiếu (mặc dù giá khởi điểm chỉ là 14.000 đồng/cổ phiếu). Sau cổ phần hoá SHG, Bộ Xây dựng là đại diện cho 49,04% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này và tỷ lệ đó duy trì đến nay.
Sáu năm sau đó, cổ phiếu SHG lên sàn UPCoM (ngày 9/4/2015) với giá tham chiếu 7.000 đồng/CP, giá đóng cửa 9.700 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, đến nay, mã này đã rơi xuống mốc 2.500 đồng/cổ phiếu. Lý do là, thay vì phát triển mạnh mẽ hơn sau khi được “bung ra” hậu cổ phần hoá, doanh nghiệp lại ngày càng sa sút, bết bát trong hoạt động kinh doanh.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ soát xét do SHG công bố hồi tháng 11/2023, nửa đầu năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu chỉ hơn 3,86 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 26,9 tỷ đồng, tương đương mức lỗ của 6 tháng đầu năm trước. Mức lỗ này đã nâng mức lỗ lũy kế của SHG tại thời điểm 30/6/2203 lên 1.293 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm âm 987 tỷ đồng, nợ phải trả 1.972 tỷ đồng.
Trong vòng một thập kỷ qua, Công ty có đến 9 năm kinh doanh thua lỗ. Các khoản lỗ sau thuế các năm từ 2015 đến 2022 lần lượt là 85,1 tỷ đồng; 187,1 tỷ đồng; 55,5 tỷ đồng; 387,5 tỷ đồng; 72,8 tỷ đồng; 56,9 tỷ đồng; 57,5 tỷ đồng và 178,2 tỷ đồng.
Lý do được lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên hàng năm là bị tồn đọng vốn do khó thu hồi vốn tại các công trình thi công, làm phát sinh chi phí vốn, giảm uy tín của Tổng công ty với các tổ chức tín dụng, gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới thực hiện thông qua đấu thầu.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 của doanh nghiệp cũng thể hiện, tại thời điểm 30/6/2023, trong 985 tỷ đồng tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng, có tới 380,7 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 405 tỷ đồng là hàng tồn kho, trong khi số dư tiền chỉ còn khoảng 4,4 tỷ đồng.
Trước đó, sau vài năm thua lỗ hậu cổ phần hoá, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn nhà nước ngay trong năm 2019 vì doanh nghiệp đã âm vốn điều lệ đến 600 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản.
Sau đó, Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.
Thời điểm đó, lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng đã nhận định, lý do thua lỗ vì Công ty không triển khai được dự án đầu tư cũng như không có hợp đồng thi công xây lắp mới nên tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh không có cơ hội để phục hồi cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thậm chí, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng chắc chắn sẽ buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ phần vốn nhà nước.
Tuy vậy, phiên đấu giá 49,04% vốn nhà nước tại SHG do Bộ Xây dựng đại diện sở hữu dự kiến diễn ra ngày 25/12/2020 đã không thành công vì lý do kể trên.
Không chỉ kinh doanh sa sút, cổ phiếu chạm đáy, hiện doanh nghiệp này còn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc về quản trị.
Theo ông Trần Huyền Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHG, Tổng công ty đang phải tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước, đây là lý do chưa thể tiến hành đại hội cổ đông thường niên năm 2023.
Cũng theo Chủ tịch SHG, cũng do chưa tổ chức đại hội cổ đông để bầu lại Hội đồng quản trị đã hết nhiệm kỳ (2015 - 2020) nên đến giờ Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ vẫn đang tiếp tục hoạt động, điều hành Tổng công ty.
Báo cáo tình hình quản trị của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng 6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị trong nửa đầu năm chủ yếu có nội dung thông qua phương án thanh lý, nhượng bán tài sản, miễn nhiệm các chức danh, thoả thuận tính tiền lãi quá hạn phải trả…
Tại Báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ của SHG do Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam lập ngày 1/11/2023, đơn vị này đã đưa ra ý kiến loại trừ đối với hàng loạt khoản mục trong báo cáo tài chính như các khoản nợ phải thu, nợ phải trả, báo cáo tài chính của một số công ty con và công ty liên kết…
Theo đó, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được biên bản đối chiếu các khoản nợ phải thu của Sông Hồng và của các công ty con tại thời điểm 30/6/2023 với số tiền là 119,05 tỷ đồng (trong đó phải thu khách hàng 52,1 tỷ đồng, trả trước cho người bán 16,5 tỷ đồng, các khoản phải thu khác 50,3 tỷ đồng).
Ngoài ra, kiểm toán cũng cho biết, chưa thu thập được báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng (công ty con của Tổng công ty Sông Hồng, do công ty này đã dừng hoạt động, không có cán bộ quản lý và kế toán), báo cáo tài chính của một số công ty liên kết như Công ty cổ phần Sông Hồng 36, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng, Công ty cổ phần Sông Hồng 8…
Tác giả: Minh Minh