Dòng sự kiện:
Lo ngại những xáo trộn trong ngành giáo dục
29/10/2023 12:36:18
Chuyên gia cho rằng cần có thời gian để tổng kết, đánh giá lại Chương trình GDPT 2018 để có những quyết định đúng đắn thay vì thay đổi "giữa đường".

Mặc dù, lộ trình đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất trong một năm tới. Tuy nhiên đến nay, việc yêu cầu để Bộ GD&ĐT phải biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa vấn là vấn đề nóng được thảo luận, làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Trước nội dung này, Người Đưa Tin đã có những trao đổi với thầy giáo, nhà văn Lê Văn Vỵ xung quanh nội dung có nên hay không Bộ GD&ĐT phải biên soạn sách giáo khoa ở thời điểm hiện tại?

Cân nhắc kỹ lưỡng mọi tác động

Theo đó, đánh giá về mặt khách quan, ông Lê Văn Vỵ cho rằng không thể phủ nhận được những thành tựu của chủ trương xã hội hoá trong biên soạn sách giáo khoa. “Chúng ta đã huy động được một lực lượng đông đảo các chuyên gia, nhà giáo dục tham gia biên soạn sách. Cùng với đó là sự đầu tư của các doanh nghiệp khiến cho các bộ sách hiện hành được thay đổi cả về hình thức, nội dung giúp phục vụ Chương trình GDPT 2018 được triển khai tốt hơn”, chuyên gia nhận định.

Mặc dù, qua các các khẩu thẩm định, đánh giá vẫn còn những sai sót nhưng những bất cập sẽ dần dần chỉnh sửa. Vì vậy, không nên chỉ một vì một vài lý do có thể thay đổi để đưa đến quyết định Bộ GD&ĐT phải biên soạn sách giáo khoa, thay vào đó cần cân nhắc, xem xét nhiều khía cạnh câu chuyện này.

Ông Lê Văn Vỵ cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng việc Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa.

Ông Lê Văn Vỵ nhìn nhận: “Giáo dục không chỉ có mỗi vấn đề sách giáo khoa, mà còn rất nhiều nội dung phải quan tâm. Cần phải đặt lên bàn cân để xem việc Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ sách giáo khoa có những cái lợi gì, không lợi gì, không chỉ nói mà cần có căn cứ để phân tích, chứng minh”.

Ở đây, chuyên gia đưa ra quan điểm trong Nghị quyết 88 của Quốc hội ghi rất rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

“Đáng lẽ Bộ GD&ĐT phải biên soạn sách giáo khoa nhưng do triển khai chậm việc này đã không được thực hiện. Nếu bây giờ mới biên soạn sách thì nguồn nhân lực đã đầu quân các nhà xuất bản, không đủ đội ngũ, chuyên gia có kinh nghiệm thì Bộ GD&ĐT khó có thể biện soạn được một bộ mới”, ông Vỵ nhận định.

Về việc chậm trễ, không thực hiện đúng thời điểm cần phải quy trách nhiệm xử lý khi đã để một quãng thời gian ngành giáo dục có nguy cơ sách giáo khoa không được đảm bảo nếu trong trường hợp các nhà xuất bản không đáp ứng được yêu cầu đề ra của Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên hiện nay khi đang dần hoàn tất lộ trình, chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu bây giờ biên soạn lại sách từ lớp 1 thì bao lâu nữa mới xong?, như vậy sẽ rất rắc rối, thời điểm này biên soạn thì không cần thiết”.

Còn nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện xã hội hoá sách giáo khoa.

Nhiều thay đổi sẽ dẫn đến hoang mang

Đến nay, Bộ GD&ĐT đang trong quá trình thẩm định các bộ sách giáo khoa cuối cùng của lớp 5, 9 và lớp 12. Năm 2025 sẽ triển khai Chương trình GDPT 2018 ở toàn bộ 12 khối.

“Chúng ta nên chờ đến năm 2025, đánh giá lại Chương trình GDPT 2018 có những ưu điểm, nhược điểm gì. Cần có sự nhận định, phân tích của các nhà chuyên môn căn cứ theo các tiêu chí để đánh giá, lúc đấy khi có những số liệu cụ thể mới có những giải pháp tiếp theo”, ông Lê Văn Vỵ đánh giá.

Theo chuyên gia, nếu cứ “đẽo cần giữa đường”, trục trặc trong quá trình vận hành, quá trình thực thi theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ làm xáo trộn, hoang mang và khó phát triển bởi sự thiếu ổn định.

Ở đây, ông Vỵ cũng đưa ra ví dụ đối với sự thay đổi của môn Lịch sử cũng đã gây không ít khó khăn trong quá trình thực hiện: “Nếu cứ thay đổi sẽ có sự khủng hoảng cho ngành giáo dục. Đáng nhẽ, phải đánh giá mọi vấn đề ngay trong quá trình xây dựng thay vì vừa làm vừa sửa không có lộ trình như hiện nay sẽ gây tâm lý hoang mang trong xã hội”.

Mặt khác, đối với các nhà xuất bản, khi có một bộ sách của Nhà nước, các doanh nghiệp có làm tốt đến bao nhiêu cũng khó lòng cạnh tranh được. “Khi xã hội hoá, có sự tham gia của doanh nghiệp cần để thị trường điều tiết về giá cả, nếu không doanh nghiệp khó có thể thực hiện và tồn tại”, ông Vỵ bày tỏ.

Trước rất nhiều vấn đề còn dang dở, theo chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận lại, đánh giá đúng vấn đề. “Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý Nhà nước, đồng hành với các nhà xuất bản để hoàn thiện Chương trình GDPT 2018, có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình biên soạn, thẩm định và tập huấn giáo viên”, ông Lê Văn Vỵ cho hay.

"Thay đổi chính sách giữa chừng"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy: Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi này.

Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến