Dòng sự kiện:
Lo vốn để tăng dự trữ quốc gia về xăng dầu
06/03/2023 16:05:31
Khi thị trường xăng dầu thế giới biến động, thì việc có được nguồn dự trữ đủ lớn là “phao cứu sinh” cho thị trường nội địa trong tình huống cấp bách.

Song, hiện lượng dự trữ xăng dầu rất thấp, gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn công tác bình ổn giá.

Nguồn dự trữ xăng dầu thấp gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn công tác bình ổn giá. Ảnh: Đức Thanh

Cần 4.100 tỷ đồng để tăng dự trữ xăng dầu

Nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia là nội dung được bàn tới nhiều trong thời gian qua, nhất là khi thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn cung trong nước trong một số thời điểm.

Thực tế, câu chuyện thiếu vốn, thiếu hạ tầng cho dự trữ là những vấn đề mà Việt Nam gặp phải từ nhiều năm nay và vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia của Việt Nam khá mỏng, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 7 ngày tiêu thụ. Trong khi, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường cả năm 2022 là 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).

Năm 2023, Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm 2022, trong đó xăng dầu nhập khẩu và dầu thô vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Mức dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân 5 năm qua khoảng hơn 370.000 m3/năm. Số lượng này chỉ tương đương 9 ngày nhập khẩu ròng và khoảng 7 ngày tiêu thụ, thấp so với nhu cầu thực tế. Hiện, Bộ Công thương đang đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng, với ngân sách chi tối thiểu khoảng 4.100 tỷ đồng/năm.

Nguồn: Bộ Công thương

Dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đủ cho dưới 10 ngày sử dụng, mà theo tính toán phải dự trữ đủ cho 4-6 tháng mới có thể ứng phó với sự biến động bất thường của giá thế giới, tránh đứt gãy nguồn cung. Trở ngại lớn của việc dự trữ xăng dầu quốc gia là kinh phí. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thừa nhận điều này tại Phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu giai đoạn 2023 - 2025 đã được Bộ Công thương trình Chính phủ lần thứ 4, nhằm nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện tại lên 15 ngày. Trong giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Theo tính toán, để thực hiện mục tiêu này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia, tức mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu chi để nhập xăng dầu dự trữ.

Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.

“Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt khoảng 15-16 ngày nhập ròng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Khó đảm bảo nguồn cung thông suốt

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng nguồn lực đầu tư, bảo đảm nguồn dự trữ... trong nhiều năm qua chưa tương xứng.

Dù là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia, nhưng việc tuân thủ duy trì lượng hàng dự trữ lưu thông là 20 ngày theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP của các doanh nghiệp đầu mối có nhiều thời điểm không làm được. Chính vì vậy, khi nhu cầu trên thị trường tăng đột biến, nguồn cung bị hạn chế, lập tức ảnh hưởng đến cung ứng cho thị trường, khiến điều hành xăng dầu gặp khó.

Năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu, bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, đã gây đứt gãy, khan hiếm về nguồn cung xăng dầu (cả thành phẩm và dầu thô) trên thị trường thế giới; giá xăng dầu tăng cao và trồi sụt thất thường với biên độ lớn trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Chưa kể, phần lớn xăng dầu dự trữ quốc gia hiện được bảo quản chung với hàng thương mại của các doanh nghiệp do hệ thống bồn bể còn hạn chế. Hiện hàng dự trữ xăng dầu quốc gia vẫn được tồn trữ tại hơn 20 kho trên cả nước của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn. Nhà nước ký hợp đồng với doanh nghiệp, trả phí theo định mức. Các đại biểu Quốc hội cũng nêu hạn chế này và khẳng định, xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia, mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch”.

Một thực tế cũng được Bộ Công thương thừa nhận, đó là việc tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối hiện gặp khó khăn. Bởi Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia rất thấp, không phù hợp với thực tế.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và tổ chức họp với Bộ Tài chính để thống nhất giải pháp. Trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia không bị gián đoạn, cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.

Tác giả: Thế Hải

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến