Mỗi năm thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 300 tấn tổ yến, chiếm khoảng 80% sản lượng tổ yến đạt chất lượng xuất khẩu toàn cầu. Với mức giá 1.500 USD/kg tổ yến, quốc gia đông dân nhất thế giới đang chi khoảng nửa tỷ USD tương đương gần 12 ngàn tỷ đồng cho mặt hàng này.
Yến sào là sản phẩm nông sản thứ 13 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, đồng nghĩa tiềm năng lớn đang chờ ngành nuôi yến Việt thời gian tới.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu ngày 16/2, tại TP.HCM.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam đạt khoảng trên 130-150 tấn/năm. Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.
Hiện, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt những năm qua. Năm 2017, tổng số nhà yến toàn quốc trên 8.300 nhà yến; tới năm 2022 tăng lên 23.665 nhà yến (gấp khoảng 3 lần). Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 10.572 nhà yến, chiếm 44,67% cả nước.
Ngành nuôi yến phát triển mạnh thời gian qua. (Nguồn: Cục Chăn nuôi)
Việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, giá tổ yến là 1.500-2.000 USD/kg. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm, thông tin từ Cục Chăn nuôi.
Cơ hội xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc mở ra khi tháng 11/2022, Bộ NN-PTNT và Hải quan Trung Quốc ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian qua, việc nuôi chim yến đang phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. 90% cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư. Nghề yến chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Đồng thời, nghề này chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, thiếu tính liên kết và chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Phía Cục Chăn nuôi đề nghị chính quyền địa phương các cấp, cơ quan quản lý ngành NN-PTNT, các cơ quan có liên quan cần tiến hành giám sát chặt các cơ sở chăn nuôi chim yến. Tổ chức thống kê, tiếp nhận kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi chim yến trên địa bàn; UBND các tỉnh sớm thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.
Cùng với đó, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các thủ tục xuất khẩu tổ yến (thô, tinh) và sản phẩm từ tổ yến, đồng thời, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến chim yến và nuôi chim yến; quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm bảo nhằm đảm an toàn sinh học.
Tác giả: Trần Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy