Dòng sự kiện:
Loạt cổ phiếu bị vạ lây bởi tin đồn
09/04/2022 11:41:01
Hàng loạt tin đồn nở rộ trên thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bị vạ lây và bị bán tháo mạnh gần đây.

Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn phức tạp với nhiều vấn đề nổi cộm, một trong số đó là việc nhiễu loạn thông tin trên các trang mạng xã hội, diễn đàn lớn.

Dòng tiền từ nhà đầu tư mới đổ mạnh vào chứng khoán đã tạo cú hích lớn cho thị trường nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy, nhu cầu thông tin về doanh nghiệp lớn hơn tạo điều kiện cho những tin đồn xuất hiện tràn lan.

Lao dốc vì tin đồn

Chẳng hạn trước đây có sóng cổ phiếu "họ Louis" khi tập đoàn này đầu tư loạt công ty trên sàn chứng khoán thì các cổ phiếu đều tăng bằng lần, do đó nhiều cá nhân đã tung tin đồn về thâu tóm của nhóm này để kỳ vọng về những phiên tăng trần.

Gần đây lại xuất hiện tin đồn tân Chủ tịch FLC Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu đã giúp mã FLC nhanh chóng thoát cảnh nằm sàn và khớp lệnh đột biến hơn 100 triệu đơn vị vào ngày 1/4. Tuy nhiên, tập đoàn sau đó thông báo đó là thông tin thất thiệt.


Nhà đầu tư thiệt hại lớn khi những tin đồn bủa vây doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Các vụ án liên quan Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC hay Tân Hoàng Minh cũng đang là chất xúc tác cho các tin đồn về việc cơ quan chức năng sẽ khởi tố thêm các cá nhân có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Tin đồn còn cho rằng một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đã có vi phạm.

Trong 2 phiên cuối tuần, một số nhóm cổ phiếu đã bị ảnh hưởng khá lớn bởi các tin đồn chưa kiểm chứng, cổ phiếu lao dốc mạnh khiến nhà đầu tư chịu thiệt lớn.

Chẳng hạn nhóm cổ phiếu liên quan đến Gelex bất ngờ bị bán tháo hàng loạt trong phiên 8/4, các mã GEX, VGC, MHC, VIX và IDC giảm hết biên độ. Ngoài ra PXL lao dốc 13,1%, GEE rơi 6,4% trong phiên.

Cổ phiếu YEG của Yeah1 cũng nằm sàn 2 phiên liên tiếp về mức 23.250 đồng với thanh khoản tăng mạnh. Công ty hiện có cổ đông lớn nhất là bà Trần Uyên Phương (phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát).

Cổ phiếu ngân hàng SHB của bầu Hiển cũng bị bán rất mạnh về 20.000 đồng, là mã ngân hàng giảm mạnh nhất hơn 6,3% trong 2 phiên gần nhất.

Một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc thanh tra phát hành trái phiếu cũng khiến nhiều cổ phiếu đổ dốc. BCG của Bamboo Capital, KBC của Kinh Bắc hay HTN của Hưng Thịnh Incons đều nằm sàn, thậm chí HSG của Hoa Sen cũng giảm sàn dù doanh nghiệp này không phát hành trái phiếu...

Thực tế giao dịch chứng khoán trong nước vẫn phần lớn thuộc về nhà đầu tư cá nhân với tỷ trọng lên gần 90%. Do vậy nhu cầu "nghe ngóng" thông tin để ra quyết định đầu tư là điều dễ hiểu.

Tin đồn có đất sống

Tuy nhiên, việc tham gia quá nhiều vào các group trên facebook, các room phím hàng trên zalo có thể khiến thông tin bị nhiễu loạn và dễ đi theo sự hô hào của đám đông.

Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng chia sẻ nhà đầu tư cá nhân rất khó để kiểm chứng thông tin nên thường tiếp cận kiểu "tin đồn luôn đúng". Theo đó, khi có tin đồn về một cổ phiếu thì cả hệ sinh thái cổ phiếu liên quan cũng bị bán bất chấp.

Ông nhấn mạnh khi đầu tư vào một cổ phiếu mà phải mất thời gian đi xác nhận tin đồn về doanh nghiệp đúng hay sai và tìm câu trả lời từ người khác thì chắc chắn nhà đầu tư đã lựa chọn sai cổ phiếu.

Tin đồn có đất sống phần lớn bởi có môi trường tốt cho chúng tồn tại

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc hội sở Mirae Asset

Ở thị trường nước ngoài, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức thường lớn hơn nhiều. Do vậy kinh tế trưởng SSI khẳng định khi thị trường Việt Nam phát triển hơn, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức càng cao thì sẽ càng hạn chế tác động của tin đồn.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc hội sở Mirae Asset - chia sẻ rằng tin đồn có "đất sống" phần lớn bởi có môi trường tốt cho chúng tồn tại.

Vị chuyên gia hơn 20 năm trong ngành, phân tích môi trường ở đây bao hàm 2 nguyên nhân chính: Yếu tố luật và bộ phận liên đới.

Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng tin đồn có "đất sống" phần lớn bởi có môi trường tốt để tồn tại.

Thứ nhất về luật, đó chính là quy định về công bố thông tin tại thông tư 96/2020/TC-BTC. Thông tư này quy định rất rõ nhưng có vẻ đã chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng", ông nói.

Vì vậy, những người có liên quan tới tin đồn cũng không có cơ sở nào để chủ động công bố thông tin nhằm dập tắt tin đồn hay đính chính cho cá nhân khỏi luồng lo ngại của dư luận.

Ông Tuấn cho rằng sự lỗi thời này có lẽ Bộ Tài Chính cũng nhìn thấy và sẽ có thông tư sửa đổi bổ sung để phù hợp và kịp thời với tình hình mới của truyền thông và thông tin.

Thứ hai, khía cạnh trọng yếu và trách nhiệm hơn thuộc về bộ phận IR (Investor Relationship - Quan hệ nhà đầu tư) của đơn vị niêm yết.

Bộ phận này nhiều năm qua vẫn chưa được các công ty nhìn nhận trọng yếu và thái độ ứng xử còn hời hợt. Đây là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh, làm tốt sẽ ghi điểm và tối ưu hoá được nhiều giá trị từ phía ban lãnh đạo, cũng như nhà đầu tư.

"Chỉ cần một hành động công bố thông tin trên các cổng thông tin của doanh nghiệp như fanpage, website thì mọi chuyện đâu sẽ vào đó", ông giải thích.

Vị này đánh giá các tin đồn gần đây không những là thiệt hại riêng của những doanh nghiệp này mà còn chỉ ra những mặt cần cải thiện về luật, về quản trị doanh nghiệp, về công tác truyền thông rất rõ ràng.

Làm được điều đó sẽ tách bạch được ảnh hưởng của cá nhân sai phạm, của doanh nghiệp sai phạm và tạo ra sự bền vững hơn cho thị trường chứng khoán.

"Từ đó, những câu hỏi của nhà đầu tư sẽ được chuyển hướng sang nội tại của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ chứ không phải là gói gọn trong những cụm từ khô khốc kiểu 'bị bắt rồi hả anh?", ông Tuấn nói.

Theo một số luật sư, các tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, tùy vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả gây ra thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân hay cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân... sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng.

Nếu việc tung tin sai sự thật nhằm mục đích thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người vi phạm bị truy cứu về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 3 năm.

Ngày 8/4, trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết sau khi nhà chức trách khởi tố, điều tra các vụ án liên quan Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC hay Tân Hoàng Minh, mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố các cá nhân có ảnh hưởng trên thị trường tài chính, chứng khoán tương tự vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, FLC.

Tướng Xô đánh giá những tin đồn nêu trên thu hút lượng lớn người theo dõi trên mạng, tác động xấu tới dư luận, tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán và gây thiệt hại về uy tín, kinh tế của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khẳng định những tin đồn nêu trên là thất thiệt và chưa được kiểm chứng, trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm người đăng thông tin thất thiệt. Đồng thời khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng đó.


Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến