Dòng sự kiện:
Loạt ‘điểm đen’ trong bức tranh tài chính của SAGRI
07/03/2021 20:03:51
Kiểm toán viên từng nêu 7 ý kiến ngoại trừ trong báo cáo tài chính của SAGRI và nhấn mạnh yếu tố không chắc chắn với các khoản đầu tư liên doanh, liên kết.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do UBND TP.HCM quản lý. Ngành nghề kinh doanh chính là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu tư…

Ngoài công ty mẹ, SAGRI có 6 công ty con và 18 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư.

Dù là doanh nghiệp hàng đầu chuyên sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực phức hợp về nông, lâm, thủy sản tại TP.HCM và cả nước, lại sở hữu quỹ đất khá lớn nhưng SAGRI kinh doanh không khả quan. Thêm nữa, doanh nghiệp đang dính nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền vốn. Nhiều sếp lớn của SAGRI cũng vì thế mà dính vòng lao lý.

Theo báo cáo đánh giá tình hình tài chính 6 tháng đầu 2020 (tự lập), cơ cấu tổ chức của SAGRI gồm công ty mẹ, 6 công ty con và 18 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư. Tổng tài sản tại thời điểm lập báo cáo là hơn 2.404 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng.

SAGRI cho biết nửa đầu 2020, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, dịch cúm gia cầm và phát sinh truy thu tiền thuê đất từ 2019 trở về trước do thay đổi đơn giá.

Trước đó, báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy năm 2019 SAGRI đạt doanh thu 2.708,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 84,8 tỷ đồng. Trong năm 2018, các con số này lần lượt là 3.431 tỷ đồng và 61 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo, cơ quan kiểm toán nêu 7 ý kiến ngoại trừ do nhận thấy nhiều bất hợp lý trong việc ghi nhận chi phí điều chỉnh tiền thuê đất, hợp nhất số liệu và trích lập dự phòng nợ phải thu từ công ty con.

Đặc biệt, kiểm toán viên nhấn mạnh cơ sở ghi nhận các khoản đầu tư liên doanh, liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu là không chắc chắn. Nguyên do là các khoản đầu tư này chỉ căn cứ vào báo cáo tài chính tự lập của các công ty liên doanh, liên kết.

“Nếu như số liệu của các báo cáo tài chính sau kiểm toán độc lập của các công ty này có thay đổi, khi đó số liệu các khoản đầu tư này theo phương pháp vốn chủ cũng thay đổi theo”, kiểm toán viên nhấn mạnh.

Vẫn theo báo cáo tài chính, từ 2016, SAGRI liên tiếp góp vốn vào các dự án lớn. Theo đó, SAGRI đã triển khai 7 dự án trọng điểm như đầu tư cụm công nghiệp, trại heo giống, nhà máy giết mổ gia súc gia cầm; hợp tác phát triển 4 dự án khu công nghiệp và đô thị dịch vụ liền kề, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Tiêu biểu, Sagri và Tập đoàn Trung Thuỷ ký hợp đồng thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Nông nghiệp Trung thuỷ SAGRI vào tháng 8/2016 để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên khu đất 650 hecta tại huyện Củ Chi. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 164 tỷ đồng, trong đó Sagri góp và sở hữu 36%. Theo hợp đồng, phía Trung Thuỷ tự nguyện cho Sagri vay toàn bộ số tiền góp vốn 59 tỷ đồng, không tính lãi trong ba năm và thanh toán thêm cho SAGRI 500 triệu đồng mỗi hecta chi phí đầu tư vào đất.

Sagri cũng hợp tác với Công ty Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco để thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp VinEco SAGRI phục vụ mục đích phát triển dự án nông nghiệp trên khu đất 470 hecta.

Bên cạnh đó, SAGRI còn hợp tác với Tổng công ty Phong Phú xây dựng khu nhà ở tại quận 9 với quy mô hơn 3,7 hecta. Tỷ lệ góp vốn lần lượt là 28% và 72%.

Tác giả: Hòa Bình

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến