Nhóm doanh nghiệp nhà BB Group liên tục thua lỗ
CTCP BB Power Holdings vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc gia hạn thời gian mua lại trước trái phiếu.
Công ty năng lượng này đang có một lô trái phiếu đang lưu hành giá trị 400 tỷ đồng, phát hành vào tháng 12/2020, kỳ hạn 3 năm. Gói trái phiếu được phát hành nhằm để tái cơ cấu nợ, trong đó một phần để mua lại trái phiếu đáo hạn vào ngày 25/1/2021. Tuy nhiên, BB Power chưa thu xếp được nguồn để thanh toán và liên tục gia hạn thời gian mua lại trái phiếu.
Đầu năm 2023, phía đại diện người sở hữu trái phiếu thông qua việc chấp thuận cho BB Power gia hạn thời gian mua lại trái phiếu, nhưng không muộn hơn theo các mốc thời gian: 25/7/2023 (mua lại 15%), 25/9/2023 (mua lại 45%), 25/12/2023 (mua lại 40%).
Đến tháng 7/2024, BB Power tiếp tục xin gia hạn thời gian mua lại trái phiếu và điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu từ 3 năm kể từ ngày phát hành (ngày đáo hạn 25/12/2023) thành kỳ hạn 51 tháng kể từ ngày phát hành (ngày đáo hạn 25/3/2025).
Theo nghị quyết này, BB Power sẽ phải thanh toán trong 3 kỳ với tỷ lệ mua lại lần lượt là 10-15-75%, tương ứng kỳ 1 thanh toán 40 tỷ đồng, kỳ 2 thanh toán 60 tỷ đồng và kỳ 3 thanh toán 300 tỷ đồng. Ngày thanh toán cho kỳ 2 là 25/10/2024. Tuy nhiên, kỳ hạn này lại tiếp tục thay đổi một lần nữa vào 28/10 vừa qua với việc điều chỉnh thời gian mua lại kỳ 2 không muộn hơn ngày 25/11/2024.
Vẫn chưa biết BB Power có lùi thời gian thanh toán thêm nữa không, nhưng từ tháng 7-10/2024, công ty đã thực hiện 4 lần mua lại trái phiếu với tổng lượng mua lại là 328.713 trái phiếu, tương đương hơn 32,8 tỷ đồng, chiếm 8,2% tổng giá trị lô trái phiếu và vẫn còn 367 tỷ đồng gốc trái phiếu đang lưu hành. TVSI là tổ chức lưu ký đồng thời là đại diện người sở hữu trái phiếu của lô trái phiếu này.
Báo cáo của BB Power cho thấy công ty này đã liên tục thua lỗ từnăm 2021 đến nay với khoản lỗ dần nặng hơn. Năm 2021, công ty lỗ sau thuế 79 tỷ đồng và lỗ sâu hơn vào năm 2022 - 2023 với khoản lỗ lần lượt là 152 tỷ đồng và 739 tỷ đồng.
BB Power tiếp tục báo cáo lỗ 184 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Với vốn chủ sở hữu 1.889 tỷ đồng, nợ phải trả của BB Power tính đến cuối quý II/2024 là gấp 3,68 lần vốn chủ sở hữu. Công ty cho biết lợi nhuận sau thuế âm là do hiện tại 2 dự án điện gió Hưng Hải Gia Lai và HanBaram (là các dự án có chủ đầu tư là các công ty con và công ty thành viên của BB Power Holdings) đang trong quá trình đàm phán giá điện, giá mua điện tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá phát điện áp dụng với dự án điện gió.
Cùng nằm trong hệ sinh thái BB Group với BB Power Holdings, CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn cũng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cùng ngày với BB Power - 25/12/2020. Và cũng tương tự cách làm của BB Power, Năng lượng Hoàng Sơn đã gia hạn thời gian mua lại lần 1 vào đầu năm 2023, tiếp tục điều chỉnh kỳ hạn và ngày đáo hạn trái phiếu đến năm 2025 hồi tháng 5/2024. Nghị quyết này đã điều chỉnh ngày thanh toán theo 3 kỳ, trong đó kỳ 2 cần thanh toán 15% vào ngày 25/10/2024, tuy nhiên, đến ngày 29/10 vừa qua, thời gian mua lại kỳ 2 tiếp tục được gia hạn không muộn hơn ngày 25/11/2024.
Năng lượng Hoàng Sơn mới mua lại một phần trái phiếu từ tháng 7/2024 đến nay với tổng giá trị mua lại là hơn 43,7 tỷ đồng. Giá trị này vẫn chưa đáp ứng được mức thanh toán 10% trong kỳ thanh toán đầu tiên (50 tỷ đồng). Hiện giá trị trái phiếu còn lưu hành của Năng lượng Hoàng Sơn là 456 tỷ đồng.
Năng lượng Hoàng Sơn có vốn điều lệ 288 tỷ đồng, riêng khoản vay trái phiếu trên đã gấp 1,7 lần vốn điều lệ doanh nghiệp. Công ty đang vận hành các dự án chủ đạo gồm Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn 1, Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 3 và Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 4. Cũng tương tự BB Power, TVSI là đối tác đồng hành cùng Năng lượng Hoàng Sơn trong đợt phát hành trái phiếu trên.
Tình hình kinh doanh không khả quan với chuỗi thua lỗ liên tục, Năng lượng Hoàng Sơn tiếp tục báo lỗ 26,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024. Lỗ lũy kế đã ăn mòn vốn điều lệ khiến vốn chủ sở hữu cuối quý II/2024 chỉ còn 62,4 tỷ đồng. Nợ phải trả cao gấp 8,4 lần vốn điều lệ, trong đó chủ yếu là dư nợ trái phiếu.
BB Power Holdings và CTCP Đầu tư Năng lượng Hoàng Sơn liên tục thua lỗ từ năm 2021 đến nay.
Doanh nghiệp hệ sinh thái Tân Hoàn Cầu gỡ áp lực mua lại đến năm 2025
Không chỉ nhóm nhà BB Group, một doanh nghiệp năng lượng khác là CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre cũng mới báo cáo nghị quyết liên quan đến một số thay đổi các lô trái phiếu của công ty.
Với vốn chủ sở hữu trên 1.800 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu hiện tại của Tân Hoàn Cầu Bến Tre mới chỉ cao bằng 1,22 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên lợi nhuận mang về khá mỏng, từ 2021 - 2023, Tân Hoàn Cầu Bến Tre chỉ báo lãi từ 1-3 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, công ty báo lãi 1,9 tỷ đồng, tuy nhiên, con số này chưa được soát xét.
Đến 6 tháng đầu năm 2024, công ty báo lỗ 21,3 tỷ đồng, đáng chú ý, bản báo cáo này cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, Tân Hoàn Cầu Bến Tre lỗ tới 177 tỷ đồng, trong khi báo cáo bán niên 2023, con số lợi nhuận chưa soát xét được báo cáo là lãi 1,6 tỷ đồng.
Chưa rõ con số lãi lỗ thực của Tân Hoàn Cầu Bến Tre, song công ty năng lượng này cũng đã thực hiện điều chỉnh các kỳ mua lại trái phiếu vào cuộc họp hồi tháng 8/2024.
Đồng thời, điều chỉnh lịch mua lại định kỳ một số kỳ trong năm 2023 - 2025 bằng cách điều chuyển giá trị mua lại sang các kỳ của năm 2033 - 2034. Như vậy, tổ chức phát hành này không phải mua lại trái phiếu trong năm 2024 và bắt đầu từ tháng 8/2025 mới bắt đầu thực hiện lại nghĩa vụ này. Trước đó, năm 2023, 2 lô trái phiếu trên đã được kéo dài kỳ hạn từ 12 năm lên 14 năm, tức đến năm 2034 mới đến ngày đáo hạn. 2 lô trái phiếu phát hành năm 2021 cũng kéo dài thời gian đến năm 2035 đáo hạn.
Hiện tổng dư nợ trái phiếu còn lại của Tân Hoàn Cầu Bến Tre vẫn còn hơn 2.179 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành. Cả 4 lô trái phiếu mà công ty này phát hành đều nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư Nhà máy điện gió số 5 - Thanh Hải 1, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre là thành viên của hệ sinh thái Tân Hoàn Cầu Group, thuộc sở hữu của đại gia Mai Văn Huế, chuyên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, điện gió, thủy điện.
Tác giả: Thủy Triều
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy