Dòng sự kiện:
Loạt giải pháp đồng bộ 'giải cứu' sân bay Tân Sơn Nhất
20/03/2019 10:47:27
Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ luôn tồn tại song hành với Long Thành. Do đó, tới đây cần đầu tư đồng bộ Tân Sơn Nhất để đảm bảo khai thác hiện đại và bền vững.

Tại buổi tọa đàm "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộn Tân Sơn Nhất?", Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định: “Vai trò của GTVT với sự phát triển của đất nước là đi trước mở đường. Bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, giao thông luôn phải đi trước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Thứ trưởng Thọ cho biết thêm: “Hiện nay, hàng hoá xuất nhập khẩu đều phải đi qua đường bộ, hàng hải, hàng không. Trong đó, hành khách quốc tế vào Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, chiếm khoảng 80%.

Đến nay, cả nước có 22 cảng hàng không đang khai thác. Việc đầu tư, đưa vào khai thác cảng hàng không Vân Đồn và việc cất cánh hãng hàng không Bamboo Airways gần đây minh chứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành này".

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng để giảm thiểu tình trạng quá tải như hiện nay.

Hiệp hội hàng không thế giới từng đánh giá, hàng không của Việt Nam phát triển nhanh cả về vận tải hành khách và hàng hoá. Năm 2018, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt trên 100 triệu lượt, tăng trưởng 12,9%. Sản lượng hàng hoá đạt 1,5 triệu tấn, tăng 7,7%. Do đó, chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu phát triển hàng không.

Tuy vậy, hiện nay tình trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất vẫn khiến các nhà quy hoạch "đau đầu". Trả lời câu hỏi “Cách nào giải cứu Tân Sơn Nhất?”, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ nhận định: "Đây không phải là vấn đề mới, giờ mới nói mà chúng ta đã bàn nhiều từ 3 năm trước.

Bộ GTVT đã đưa ra những giải pháp tương đối hiệu quả, đặc biệt là đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong đó, ở bên ngoài sân bay đã triển khai làm nhiều cầu vượt và tổ chức lại giao thông để giảm quá tải, ùn tắc".

Theo Thứ trưởng Thọ, bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ về công tác bàn giao đất đai, điều tiết giao thông để giảm ùn tắc tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất, chưa bao giờ ACV phải thực hiện nhiều giải pháp như trong thời gian qua tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, Tổng công ty Quản lý bay cũng có phương thức bay hiệu quả, công nghệ tiên tiến để tổ chức vùng trời hiệu quả nhất có thể.

Hiện tại, Tân Sơn Nhất hiện có 2 nhà ga T1 và T2. Trong đó, T1 phục vụ khách quốc nội, đã nhiều lần được nâng cấp. Trong khi đó, việc mở rộng, đầu tư nhà ga T3 là cấp thiết. Từ năm 2016, bộ GTVT đã trình quy hoạch. Sau khi trình đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc xác định vị trí của Tân Sơn Nhất và ảnh hưởng đến TP.HCM như thế nào, cân đối với Long Thành ra sao.

Thứ trưởng bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi họp.

Chính phủ đã quyết định sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế là 50 triệu hành khách. Muốn đạt được hiệu quả phải thực hiện: Thứ nhất, về đường cất hạ cánh, đã khẳng định không làm thêm. Thứ hai, để giải toả nhanh, phải bố trí thêm đường lăn. Cùng đó là các vấn đề về sân đỗ tàu bay, bãi đỗ xe, đường ra vào, hệ thống giao thông tiếp cận… cũng phải đầu tư đồng bộ.

Thứ trưởng Thọ khẳng định, Tân Sơn Nhất sẽ luôn tồn tại song hành với Long Thành. Do đó, tới đây cần đầu tư đồng bộ Tân Sơn Nhất để đảm bảo khai thác hiện đại và bền vững.

Trong khi dư luận quan tâm tới việc Thủ tướng đã lựa chọn phương án mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất do công ty Tư vấn ADP-I đề xuất, nhưng bộ GTVT lại chọn ACV, Thứ trưởng Thọ cho rằng, ACV là nhà khai thác cảng hàng không đầu tiên và hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước.

Vừa qua, mới có thêm một nhà khai thác nữa là Vân Đồn. Phải khẳng định, ACV là nhà khai thác cảng có kinh nghiệm nhất. ACV có nguồn lực để đầu tư.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến