Loạt lãnh đạo của công ty dược lớn nhất Việt Nam vừa xin từ nhiệm
Theo đó, Hội đồng Quản trị CTCP Dược Hậu Giang (DHG) vừa chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ba lãnh đạo cấp cao. Bà Vũ Thị Hương Lan - Giám đốc nhân sự và bà Lê Thị Hồng Nhung - Giám đốc tài chính sẽ chính thức nghỉ việc từ ngày 15/7, theo nguyện vọng cá nhân.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT cũng đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Đoàn Đình Duy Khương - Tổng Giám đốc điều hành Dược Hậu Giang, có hiệu lực từ ngày 10/7. Ông Khương cũng từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Được biết, ông Đoàn Đình Duy Khương, sinh năm 1974, có trình độ Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thực hành EMBA_UBI (Bỉ). Với hơn 24 năm kinh nghiệm trong các mảng kinh doanh và tiếp thị tại Dược Hậu Giang, ông đã đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc điều hành từ năm 2020.
Ngoài ra, ông còn là thành viên HĐQT điều hành, thành viên Ủy ban Chiến lược và thành viên Ủy ban Nhân sự. Hiện nay, ông Khương đại diện sở hữu phần vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) tại Dược Hậu Giang với tỷ lệ sở hữu 17,31%, trong khi 26% còn lại do Chủ tịch Đặng Thị Thu Hà đại diện.
Ông Đoàn Đình Duy Khương - cựu Tổng Giám đốc điều hành Dược Hậu Giang
Dược Hậu Giang được biết đến là doanh nghiệp sản xuất thuốc lớn nhất Việt Nam. Công ty đã duy trì vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp dược suốt 27 năm liên tiếp và nằm trong top 5 doanh nghiệp dược có thị phần lớn nhất trong nước.
Năm 2024, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm gần 7%, xuống còn 1.080 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, Dược Hậu Giang đạt doanh thu thuần 1.259 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng, giảm lần lượt 36% và 38% so với cùng kỳ. Kết quả này đã được dự đoán trước bởi DHG, do lãi suất tiền gửi giảm mạnh, khiến doanh thu tài chính giảm 14 tỷ đồng, tương đương giảm 26% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí tăng cao do nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động. Đồng thời, giá thành sản phẩm cũng tăng lên khi Dược Hậu Giang chủ động điều chỉnh sản lượng sản xuất để đưa mức dự trữ tồn kho về mức hợp lý.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, công ty hoàn thành được 23% mục tiêu lợi nhuận năm.
Về kế hoạch chia cổ tức, tháng 6 vừa qua, Dược Hậu Giang đã thông qua việc chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2023 tổng tỷ lệ 75%, chia làm 2 đợt.
Trong đợt 1, công ty chia cổ tức tỷ lệ 40%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 4.000 đồng, với ngày chốt danh sách cổ đông là 12/6 và ngày thanh toán là 26/6. Đợt 2, công ty sẽ trả tiếp 35% cổ tức còn lại, tương đương mỗi cổ phiếu nhận 3.500 đồng, với ngày chốt danh sách cổ đông là 9/8 và ngày thanh toán là 21/8.
Tổng số tiền mà "ông lớn" ngành dược miền Tây dự chi trong đợt này là 981 tỷ đồng, chiếm 93% lợi nhuận sau thuế của năm 2023. Đây là mức chia cổ tức tiền mặt kỷ lục của Dược Hậu Giang. Công ty dự kiến duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 75% cho năm 2024, tức cũng sẽ dùng gần hết lợi nhuận tạo ra trong năm để phân phối lại cho cổ đông, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 1.080 tỷ đồng.
Lợi nhuận và cổ tức của Dược Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2024
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy