Dòng sự kiện:
Loạt quan chức bị bắt vì liên quan vụ chuyến bay giải cứu
29/09/2022 18:45:42
Đến ngày 27/9, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 19 bị can liên quan vụ giải cứu công dân. Trong đó, người giữ chức vụ cao nhất bị bắt là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc đối với các ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh). Đây là diễn biến mới nhất liên quan vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số địa phương khác.

Vụ án trên khởi phát từ đầu năm khi Bộ Công điều tra dấu hiệu nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, năm 2021 các đơn vị tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước. Bộ Ngoại giao còn phối hợp với bộ, ngành để tổ chức hơn 400 chuyến bay khác đưa về nước trên 70.000 người. Như vậy, tổng số chuyến bay về nước trong năm 2021 là gần 600 chuyến và đưa khoảng 120.000 công dân hồi hương.


Ông Tô Anh Dũng (bìa trái) và 4 bị can khác thuộc Bộ Ngoại giao.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã đề nghị Bộ trưởng GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, đưa công dân Việt Nam về nước; danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai chuyến bay giải cứu, combo. Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp danh sách cá nhân được phân công tại Bộ GTVT để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay giải cứu.

Sau hơn 9 tháng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 19 cá nhân về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết quả điều tra xác định sau khi trừ nhiều chi phí, các bị can đã trục lợi hàng tỷ đồng đối với mỗi chuyến bay. Bộ Công an bước đầu chứng minh họ nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

Trong 19 bị can, Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ có Vụ trưởng Nguyễn Thanh Hải cùng 2 chuyên viên Nguyễn Mai Anh, Nguyễn Tiến Thân bị xử lý. Ngoài ra, mới đây ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tại Bộ Ngoại giao có 5 bị can liên quan, gồm: Thứ trưởng Tô Anh Dũng; Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; cục phó Đỗ Hoàng Tùng; Chánh văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh và Phó phòng Bảo hộ công dân Lưu Tuấn Dũng.

Bộ Giao thông vận tải có một bị can là Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế. Bộ Y tế có 2 bị can là Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị công trình y tế và Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Cục Y tế dự phòng.

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an, 3 người bị khởi tố gồm cựu Cục phó Trần Văn Dự và cán bộ Vũ Sỹ Cường và Vũ Anh Tuấn.

Bốn bị can còn lại thuộc các công ty du lịch, gồm: Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình), Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty CP du lịch thương mại Lữ Hành Việt, Giám đốc Công ty vận tải du lịch Hoàng Long Luxury), Nguyễn Thị Tường Vi (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19).


Một số bị can khác của vụ án.

Trong 19 bị can, Ban Bí thư xác định các ông Nguyễn Quang Linh và Tô Anh Dũng đã lợi dụng vị trí công tác, vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc tham mưu, trình phê duyệt cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Theo Ban Bí thư, ông Nguyễn Quang Linh và Tô Anh Dũng đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Họ còn vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Những sai phạm này còn gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Tại phiên họp 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 17/8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ phấn đấu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Trong đó, vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan được Tổng bí thư lưu ý sớm xử lý.

Tác giả: Hoàng Lam

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến