Từ ngày 31/10 đến trước 17h ngày 15/11, Công ty Hoá dầu Petrolimex sẽ thực hiện nhận ý kiến của cổ đông về việc hạ kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Theo kế hoạch mới trình cổ đông, trong năm 2023, Công ty Hoá dầu Petrolimex hạ dự báo doanh thu về 8.395,86 tỷ đồng, giảm 5,7% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 507,67 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 48 tỷ đồng, về 112 tỷ đồng.
Hoá dầu Petrolimex hạ kế hoạch lợi nhuận giảm 30% so với kế hoạch đầu năm (Nguồn: PLC)
Công ty Hoá dầu Petrolimex cho biết trong năm 2023, dưới tác động của các yếu tố liên quan đến tình hình kinh tế, chính sách lãi suất và tỷ giá của thế giới và tại Việt Nam đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp và trọng yếu. Đây là các yếu tố tác động khách quan, khó lường định… cần thiết xem xét, điều chỉnh kế hoạch để có những giải pháp, cách thức tiếp cận phù hợp và sát với tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023.
Chuyển từ hoàn thành 50,8%, lên 72,6% kế hoạch lợi nhuận sau điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2023, Công ty Hoá dầu Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 1.924,14 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 16,53 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11,2%, lên 11,5%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng cao hơn tốc độ tăng doanh thu do biên lợi nhuận gộp cải thiện, tức tăng 11,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 22,55 tỷ đồng, lên 222,03 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 0,95 tỷ đồng, về 14,99 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 5,7%, tương ứng giảm 2,38 tỷ đồng, về 39,57 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 24,7%, tương ứng tăng thêm 34,24 tỷ đồng, lên 172,88 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong quý III, mặc dù lợi nhuận gộp tăng và tiết giảm chi phí tài chính nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm tới 24,3%, nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao trong kỳ.
Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Hoá dầu Petrolimex ghi nhận doanh thu đạt 5.773,88 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 81,27 tỷ đồng, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu doanh thu của Hoá dầu Petrolimex trong 9 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: Hoá dầu Petrolimex)
Ngoài ra, xét về cơ cấu doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu hoá chất giảm 16,1% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 315,6 tỷ đồng, về 1.649,7 tỷ đồng; doanh thu dầu mỡ nhờ giảm 1,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 17,5 tỷ đồng, về 1.214,9 tỷ đồng; doanh thu nhựa đường tăng 4,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 121,5 tỷ đồng, lên 2.883,7 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 81,27 tỷ đồng, Công ty Hoá dầu Petrolimex đã hoàn thành 50,8% so với kế hoạch lãi đầu năm là 160 tỷ đồng và hoàn thành 72,6% so với kế hoạch dự kiến điều chỉnh lãi năm 2023 về 112 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhờ việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, Công ty Hoá dầu Petrolimex từ đơn vị chỉ hoàn thành 50,8% kế hoạch lợi nhuận đã chuyển sang đơn vị hoàn thành 72,6% kế hoạch lợi nhuận và nhiều khả năng sẽ sớm vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 nhờ điều chỉnh giảm kế hoạch.
Thực tế, việc các doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cuối năm về cơ bản không thay đổi tình hình kinh doanh nhưng sẽ giúp báo cáo hoàn thành kế hoạch tốt hơn và có thể liên quan tới việc đánh giá về khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của Ban lãnh đạo Công ty.
Quy mô tài sản giảm trong 9 tháng đầu năm 2023
Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Công ty Hoá dầu Petrolimex giảm 5,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 239,5 tỷ đồng, về 4.381,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.401,4 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.308,9 tỷ đồng, chiếm 29,87% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 739,3 tỷ đồng, chiếm 16,9% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 701 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Công ty Hoá dầu Petrolimex thuyết minh cơ cấu tồn kho chủ yếu ghi nhận 841,7 tỷ đồng thành phẩm, hàng hoá; 293,6 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 105,3 tỷ đồng hàng mua đang đi đường; 50,4 tỷ đồng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang; và 17,9 tỷ đồng công cụ, dụng cụ.
Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn giảm 2,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 52,2 tỷ đồng, về 1.718,8 tỷ đồng và chiếm 39,2% tổng nguồn vốn.
Về diễn biến giá cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/11, cổ phiếu PLC tăng 200 đồng, lên 28.800 đồng/cổ phiếu.
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy