TPBank đã thích ứng tốt với tình hình dịch bệnh, nên tăng trưởng tốt, tạo nền tảng hỗ trợ giá cổ phiếu. Ảnh: Đ.T
Giảm lãi, phí - ngân hàng vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Một loạt ngân hàng vừa công bố giảm phí dịch vụ vào đầu tháng 8/2021, sau khi đã giảm lãi suất cho vay trên dưới 1% vào giữa tháng 7/2021. Việc giảm lãi, phí sẽ tác động ngay đến thu nhập của các ngân hàng trong nửa cuối năm.
Số liệu ước tính của Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank cho thấy, chính sách giảm lãi suất, giảm phí sẽ khiến các ngân hàng giảm 6.000 - 7.500 tỷ đồng thu nhập năm nay. Với nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, mức thu nhập sụt giảm từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, chưa ngân hàng nào công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, việc tín dụng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho nợ tái cơ cấu hay việc giảm lãi suất cho vay… đều đã được nhà băng lường trước khi tính toán kế hoạch tăng trưởng năm nay.
“Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xác định phải trích lập dự phòng cho cả nợ cơ cấu theo Thông tư 03, vì chúng tôi biết rằng, nếu không có thông tư trên, nợ xấu sẽ tăng mạnh. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức không quá lạc quan về lợi nhuận, lập kế hoạch trích lập đủ dự phòng cho phần nợ cơ xấu này”, ông Hưng cho biết.
Mặc dù Covid-19 đang tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, song ông Hưng cho rằng, việc đầu tư số hóa mạnh thời gian qua khiến ngành ngân hàng thích nghi tốt hơn các ngành khác. Bên cạnh đó, việc khách hàng chủ yếu giao dịch trên nền tảng số khiến chi phí hoạt động của ngân hàng giảm mạnh.
Mặc dù Covid-19 bùng phát mạnh sẽ làm tín dụng quý III/2021 suy giảm, song nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, 6 tháng đầu năm, room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng rất thấp và các ngân hàng vẫn đang trong cảnh lo “thiếu room” tăng trưởng, hơn là không thể tăng trưởng tín dụng.
“Trên thực tế, ngay từ đầu năm nay, chúng tôi cũng không xác định tăng trưởng lợi nhuận dựa vào mở quá rộng chỉ tiêu tín dụng, mà tập trung vào hạ chi phí vốn, giảm chi phí hoạt động, tăng thu ngoài lãi. Chính vì vậy, nếu tín dụng chậm lại 6 tháng cuối năm cũng không ảnh hưởng quá lớn đến kế hoạch cả năm”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay.
Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tỷ lệ sinh lời của ngân hàng Việt Nam đang ở mức tốt hơn nhiều so với ngân hàng các nước trong khu vực. Dư địa tăng trưởng phí lớn do tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng và tỷ lệ khách hàng mua các sản phẩm tài chính thấp.
Tuy Covid-19 khiến tín dụng chậm lại, song nhiều khả năng, dịch bệnh sẽ cơ bản được kiểm soát trong tháng 8 và tín dụng quý IV/2021 sẽ bật mạnh. Kịch bản này đã diễn ra vào năm 2020, khi tín dụng quý VI bùng nổ đã bù đắp toàn bộ phần suy giảm trong quý II và quý III. Năm nay, tâm lý của nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng bình tĩnh hơn, nên sự phục hồi trong quý IV là khá chắc chắn.
Cổ phiếu vua: Giá rẻ là cơ hội bứt tốc
Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng nóng, nhiều mã cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba. Lợi nhuận tăng phi mã cùng với thông tin chia cổ tức khủng chính là động lực tăng trưởng chính của cổ phiếu vua. Tuy vậy, suốt trong tháng 7/2021, cổ phiếu vua liên tục giảm điểm.
Theo các chuyên gia phân tích, cổ phiếu ngân hàng đã trở nên kém hấp dẫn sau khi bị pha loãng nhiều, lợi nhuận đạt đỉnh, nhiều nguy cơ bất lợi có thể xảy ra trong nửa cuối năm (giảm lãi suất cho vay, nợ xấu lớn, tín dụng giảm…).
Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng, định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá cao. Tuy vậy, giới chuyên gia phân tích cho rằng, yếu tố định giá chỉ tác động một phần, diễn biến giá cổ phiếu còn tùy thuộc vào cung - cầu thị trường và các yếu tố cơ bản của cổ phiếu. Cổ phiếu ngân hàng lại chiếm chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch thị trường, nên các nhà đầu tư không thể bỏ qua.
Ông Nguyễn Hưng nhận định, năm nay, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ vẫn khả quan, nên nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn, mà lại có lợi suất cao hơn một số kênh khác.
Thực tế, sau khi giảm khá sâu trong tháng 7/2021, cổ phiếu ngân hàng đã dần phục hồi từ đầu tháng 8/2021. Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích và Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, dòng tiền sau khi xác nhận thị trường tạo lập vùng đáy ngắn hạn đã chảy mạnh hơn và tìm đến các cổ phiếu đã giảm sâu hoặc có dấu hiệu tạo đáy, trong đó có cổ phiếu ngân hàng. Mức định giá của một số cổ phiếu ngân hàng hiện tại cũng khá hợp lý so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm, song giá khó tăng mạnh, bởi những yếu tố tích cực nhất đã phản ánh vào giá 2 quý đầu năm. Mức độ lan tỏa của cổ phiếu ngân hàng cũng không còn nhiều và khó tạo làn sóng tăng giá đồng loạt như nửa đầu năm.
Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích và Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy