Tăng trưởng tín dụng năm 2018 phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: Thành Hoa)
Những khó khăn từ tăng trưởng tín dụng và kinh doanh chứng khoán
Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm nhưng có lẽ tăng trưởng tín dụng năm 2018 phù hợp với định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tăng trưởng GDP năm 2018 phát tín hiệu tích cực từ giữa năm đã khiến NHNN nhận thấy không cần đẩy thêm tín dụng ra quá nhiều nhằm đảm bảo sự ổn định của tiền đồng và kiểm soát lạm phát. Điều này khiến nhiều ngân hàng sớm chạm trần room tăng trưởng tín dụng năm 2018 đã phải chật vật giảm dư nợ trong nửa cuối năm, thay vì trông chờ NHNN nới room như những năm trước.
Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng không ít tới lợi nhuận của các ngân hàng bởi trên thực tế, khoảng 70% doanh thu của các ngân hàng hiện nay vẫn là đến từ hoạt động cho vay.
Năm 2019, NHNN cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng khiêm tốn là 14%. Việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tới từng ngân hàng cũng sẽ được tiếp tục. Trong đó, những ngân hàng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41 sẽ được ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn. Nghĩa là những ngân hàng còn lại sẽ nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn 14%.
Đối với một số ngân hàng đang có hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thấp, mức tăng trưởng tín dụng thậm chí không thể đạt 14%. Điển hình là trong năm 2018, tín dụng của VietinBank chỉ tăng 6,1%, trong đó riêng quí 4-2018 dư nợ cho vay khách hàng đã phải giảm trên 26.000 tỉ đồng. Nguyên nhân là do phương án tăng vốn của ngân hàng này chưa được phê duyệt, theo đó, ngân hàng buộc phải giảm quy mô kinh doanh để đảm bảo an toàn vốn.
Theo Thông tư 41 của NHNN, thời điểm áp dụng Basel II với hệ thống ngân hàng là đầu năm 2020. Như vậy, trong năm 2019, các ngân hàng sẽ cần chuẩn bị nguồn vốn cũng như hoàn thiện hệ thống công nghệ để tính toán quản lý các chỉ số an toàn, sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để tăng tín dụng 14-15% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết phải tăng vốn 237.000 tỉ đồng trong năm 2018-2019, tương đương 10 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản do trong hai năm gần đây, các ngân hàng loay hoay mãi cũng chỉ tăng vốn được hơn 2 tỉ đô la Mỹ.
Không chỉ hoạt động tín dụng, mảng kinh doanh trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng sẽ không còn thuận lợi như những năm 2017-2018. Năm 2018 chứng kiến lợi nhuận mảng kinh doanh, đầu tư chứng khoán tăng trưởng mạnh, nhưng thực ra hoạt động chốt lời TPCP được diễn ra chủ yếu trong quí 1, trùng với giai đoạn lợi suất trái phiếu xuống thấp nhất. Sau đó, lợi suất TPCP liên tục tăng và dự kiến sẽ còn tăng do ảnh hưởng của biến động lãi suất trong, ngoài nước và biến động của tỷ giá. Nếu bán những TPCP được mua trong giai đoạn lãi suất thấp, ngân hàng sẽ bị lỗ. Thực tế trong quí 3-2018, một số ngân hàng đã ghi nhận lỗ từ hoạt động này như Eximbank, Techcombank, VIB, MBB.
Thu nhập thuần về dịch vụ tăng trưởng nhanh và bền vững
Không có rủi ro tín dụng như hoạt động cho vay, sự biến động lợi nhuận không lớn như mảng kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối, hoạt động dịch vụ của các ngân hàng đang tăng trưởng rất bền vững và đóng góp ngày càng lớn vào tổng thu nhập thuần.
Lũy kế chín tháng đầu năm, thu nhập thuần về dịch vụ của 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3/2018 đã tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vào mức tăng trưởng của thu nhập thuần dịch vụ là phí hoa hồng đại lý bảo hiểm. Sacombank, Techcombank, MB, VPBank, SCB, TPBank là các ngân hàng đang nổi lên như những nhà môi giới bảo hiểm lớn nhất thị trường.
Khác với năm 2017, chín tháng đầu năm 2018 không phát sinh các khoản thu phí độc quyền phân phối bảo hiểm (ngoại trừ khoản phí độc quyền khoảng 900 tỉ đồng của VPBank nhưng được ghi nhận vào thu nhập khác trong quí 1-2018). Từ đó có thể thấy sự tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ đại lý bảo hiểm có tính thực tế và bền vững. Bước sang năm 2019, thu nhập thuần từ phí bảo hiểm dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trên cơ sở nền tảng khách hàng lớn. Tỷ trọng doanh thu bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã tăng từ 5% trong năm 2012 lên khoảng 10% trong năm 2017. Mặc dù vậy, tỷ trọng đóng góp của kênh ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh theo kinh nghiệm các nước trên thế giới (như 72% ở Tây Ban Nha, 70% ở Ý, 60% ở Pháp).
Hiện vẫn còn 19/35 ngân hàng thương mại chưa ký kết hợp đồng hợp tác phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ (không tính ngân hàng MB và BIDV đã có công ty con hoạt động trong lĩnh vực này). Do đó, tiềm năng lợi nhuận đột biến từ các ngân hàng này cũng rất lớn. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, Vietcombank đang tìm đối tác bảo hiểm để phân phối độc quyền với khoản phí phân phối độc quyền có thể lên đến 11.400 tỉ đồng. Đối với các ngân hàng có quy mô tầm trung và nhỏ, khoản phí phân phối độc quyền cũng có thể đạt đến hàng trăm tỉ đồng.
Thu nhập từ hoạt động tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán có lẽ cũng sẽ sớm bứt phá kể từ năm 2019. Chín tháng đầu năm 2018, nguồn thu này của Techcombank là 542 tỉ đồng, chiếm khoảng một phần tư thu nhập thuần về dịch vụ. Với tình hình phát triển tín dụng (nhất là tín dụng trung và dài hạn) khó khăn như đã phân tích ở trên, có lẽ các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ nhanh chóng học tập Techcombank, chuyển hướng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp với sự tư vấn và môi giới của ngân hàng.
Thu nhập thuần từ dịch vụ thanh toán cũng sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dịch vụ của ngân hàng. Dù thế nào thì dịch vụ thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế vẫn đang là dịch vụ phổ biến nhất mà khách hàng sử dụng. Với định hướng giảm thiểu sử dụng tiền mặt của Chính phủ và chất lượng thanh toán ngày càng tốt, người dân và doanh nghiệp có xu hướng thanh toán qua ngân hàng. Đối với hoạt động thanh toán quốc tế, sự gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và kiều hối đang tạo ra mức tăng trưởng liên tục về thu phí thanh toán cho các ngân hàng.
Ngoài ra, các dịch vụ khác như thẻ và ngân hàng điện tử cũng đang đem lại thu nhập tốt cho các ngân hàng. Riêng đối với dịch vụ ngân hàng điện tử, việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ những năm vừa qua, có ngân hàng đã cho ra đời ngân hàng số, cũng sẽ giúp tăng tiện ích cho khách hàng, qua đó tăng thu nhập cho ngân hàng.
Đã qua rồi cái thời phát triển tín dụng ồ ạt. Bộ chỉ tiêu kinh doanh của nhân viên ngân hàng đang ngày càng chú trọng hơn các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng. Các khoản thu ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ dịch vụ liên tục gia tăng tỷ trọng trong tổng thu nhập thuần của ngân hàng. Đó là định hướng đúng đắn của các ngân hàng, đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và vững vàng của ngành nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế.
Bộ chỉ tiêu kinh doanh của nhân viên ngân hàng đang ngày càng chú trọng hơn các sản phẩm dịch vụ ngoài tín dụng. Các khoản thu ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ dịch vụ liên tục gia tăng tỷ trọng trong tổng thu nhập thuần của ngân hàng. |
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy